Khởi động Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em lần thứ hai
Xã hội - Ngày đăng : 10:37, 02/12/2021
(BKTO) - Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trong cuộc chiến chống lao động trẻ em.
Các đại biểu tham dự Hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động - Ảnh:molisa.gov.vn |
Ngày 01/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các Bộ, ngành, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình).
Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021.
Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, Chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa, phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
“Việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau Covid-19”- bà Bharati Pflug - chuyên gia cao cấp của ILO - nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển xây dựng các kế hoạch, các giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức.
Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam - bà Lesley Miller - khuyến nghị: “Lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua các cách tiếp cận tích hợp đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói, thiếu thốn và bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, chất lượng giáo dục và huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em. Cũng cần chú trọng thúc đẩy các quy định về điều kiện lao động đối với trẻ em đủ tuổi lao động; thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ của công chúng trong việc phản đối lao động trẻ em; đưa các mối quan tâm về lao động trẻ em vào các kế hoạch giáo dục và thúc đẩy khu vực tư nhân, tổ chức xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em”.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về những thách thức liên quan đến Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai các chương trình chính sách an sinh xã hội phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần hỗ trợ phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng này./.
Ở Việt Nam, kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy lao động trẻ em từ 5-17 là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5 - 17 tuổi, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%. Qua 5 năm thực hiện Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020, hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến vấn đề này ngày càng hoàn thiện. Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em huy động được sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ngành, tổ chức liên quan, DN và toàn xã hội. Quy trình hỗ trợ can thiệp lao động trẻ em được triển khai trên toàn quốc. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về lao động trẻ em được quan tâm thực hiện. Việt Nam đã trở thành 1 trong 15 quốc gia tiên phong tham gia liên minh 8.7 (quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững). |
THÀNH ĐỨC