Phòng, chống nạn buôn người ở Nam Á và Đông Nam Á: Viện trợ của EU chưa được sử dụng hiệu quả
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 28/11/2017
(BKTO) - Trước thực trạng về tệ nạn buôn người đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, Toà kiểm toán châu Âu (ECA) mới đây đã công bố bản Báo cáo kiểm toán đặc biệt về hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống loại tội phạm buôn bán người tại Nam Á và Đông Nam Á. Theo đó, ECA chỉ trích, mặc dù EU đã tài trợ 31 triệu Euro cho các dự án phòng, chống tội phạm buôn bán người ở Nam Á và Đông Nam Á, nhưng phần lớn nguồn tài chính này vẫn chưa được sử dụng một cách có hiệu quả.
Trước thực trạng về tệ nạn buôn người đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, Toà kiểm toán châu Âu (ECA) mới đây đã công bố bản Báo cáo kiểm toán đặc biệt về hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống loại tội phạm buôn bán người tại Nam Á và Đông Nam Á. Theo đó, ECA chỉ trích, mặc dù EU đã tài trợ 31 triệu Euro cho các dự án phòng, chống tội phạm buôn bán người ở Nam Á và Đông Nam Á, nhưng phần lớn nguồn tài chính này vẫn chưa được sử dụng một cách có hiệu quả.
Kết quả kiểm toán cho thấy, dữ liệu về các khoản hỗ trợ tài chính của EU dành cho các dự án phòng, chống tội phạm buôn bán người từ năm 2009-2015 đã không được lưu giữ một cách đầy đủ và phù hợp theo quy định.
Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) có thực hiện duy trì cơ sở dữ liệu về các dự án phòng, chống tội phạm buôn bán người, nhưng các Kiểm toán viên nhận thấy rằng, cơ sở dữ liệu không phải là một nguồn thông tin đầy đủ về tài chính và do đó không thể được sử dụng để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết lập các ưu tiên và hoạt động phù hợp, do không có tiêu chí rõ ràng về "hành động có liên quan đến buôn người".
ECA chỉ trích, EC đã không khắc phục những yếu kém khi xây dựng các dự án phòng, chống tội phạm buôn bán người một cách kịp thời, đặc biệt là trước khi ký kết các thỏa thuận hỗ trợ tài chính. Cụ thể, trong dự án trị giá 106 nghìn Euro dành cho Indonesia, các chuyên gia đánh giá rằng, dự án tồn tại nhiều chỉ số thiếu độ tin cậy và khó kiểm thử, song điều này lại không được phản ánh trong báo cáo đánh giá dự án, dẫn tới nhiều dự án không được đánh giá một cách đúng mực hoặc bị lệch khỏi mục tiêu.
Hay dự án tại Philippines với khoản viện trợ tiếp nhận lên tới 175 nghìn Euro, có mục tiêu tổng thể là “góp phần vì một môi trường quản trị lấy quyền con người làm trọng tâm để thực hiện các nghĩa vụ của Chính phủ trong việc tăng cường nữ quyền”, được ECA đánh giá là không cụ thể và khó đo lường.
Bên cạnh đó, năm 2004, EC đã chỉ thị cho các phái đoàn của EU tăng khoản viện trợ tối thiểu để giảm số lượng hợp đồng được đưa ra. EC kỳ vọng quyết định này sẽ cho phép các tổ chức phi chính phủ lớn hơn và chuyên nghiệp hơn có thể nhận được các khoản viện trợ và điều này sẽ đảm bảo quản lý tài chính tốt hơn.
Tuy nhiên, quyết định này không xét đến việc các quốc gia khác nhau không có cùng số lượng các tổ chức phi chính phủ tập trung vào vấn đề chống nạn buôn bán người. Điều này khiến cho các quốc gia có ít các tổ chức phi chính phủ gặp bất lợi vì khó có thể hình thành các nhóm lớn hơn có đủ những kinh nghiệm cần thiết.
Từ kết quả kiểm toán, ECA đã đưa ra cho EC một số kiến nghị, bao gồm: xây dựng một khung chiến lược về tội phạm buôn bán người phù hợp cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á; trong đó có danh mục ưu tiên dựa trên các kết quả đạt được và tính phổ biến của tệ nạn này tại từng quốc gia và vùng địa lý cụ thể; tối ưu hóa tác động của các dự án phòng, chống tội phạm buôn bán người bằng cách tích hợp các tác động đó trong một khung toàn diện, để tiến hành đánh giá loại hình và mức trợ cấp một cách khách quan hơn phù hợp với năng lực của xã hội dân sự tại các quốc gia.
Việc ECA quyết định tập trung kiểm toán tại các khu vực Nam Á và Đông Nam Á là do thực trạng buôn bán người ở các khu vực này đang ngày càng trở nên phổ biến và đáng báo động. Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc, có tới 46 triệu người bị mắc kẹt trong những đường dây buôn người trên toàn thế giới, trong đó khu vực Nam Á và Đông Nam Á chiếm tới 2/3 con số này. Những khu vực này giống như trung tâm trung chuyển của nạn buôn bán người đến Úc và New Zealand do hệ thống quản lý xuất - nhập cảnh yếu kém và châu Âu luôn là điểm đến đầy hấp dẫn của loại tội phạm này.
NGỌC QUỲNH
(Nguồn: New Europevà European Court of Auditors)
(Nguồn: New Europevà European Court of Auditors)