Phát triển đột phá, thực hiện trách nhiệm quốc gia, tiên phong trong giáo dục đại học

Xã hội - Ngày đăng : 19:39, 04/12/2021

(BKTO) - Đây là yêu cầu trong Thông báo số 322/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).


                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Tại Thông báo trên, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tới, ĐHQGHN cần có những bước phát triển đột phá đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, thực hiện trách nhiệm quốc gia, tiên phong trong giáo dục đại học, nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế.

ĐHQGHN và các Bộ, cơ quan liên quan cần thực hiện tốt các nội dung:

Nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới khi cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 20 của Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN.

Có cơ chế giải phóng tối đa nguồn lực con người để đội ngũ cán bộ phát huy, cống hiến nhiều hơn nữa; xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường, tăng cường hợp tác công tư; tăng đầu tư của Nhà nước để lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ cần bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về các vấn đề này và Luật Giáo dục đại học; xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chương trình, dự án, kế hoạch, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, bố trí nguồn lực, có mục tiêu cụ thể cho từng năm và trong 5 năm; khắc phục bằng được việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu dứt điểm nhất là khi nguồn lực có hạn…

ĐHQGHN cần xác định người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Tập trung đào tạo nhân lực trong các môn khoa học cơ bản - đây là một lĩnh vực truyền thống và thế mạnh của ĐHQGHN; đào tạo nguồn giảng viên cho ĐHQGHN và cho các cơ sở giáo dục đại học khác.

Tăng cường liên kết, liên doanh với các địa phương, DN, tổ chức để đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đạt đẳng cấp quốc gia mà còn ngang tầm quốc tế; chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tin học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu; đổi mới công tác tuyển sinh, tập trung kiểm soát đầu ra; tiếp thu các công nghệ đào tạo tiên tiến.

Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần chú trọng tổng kết thực tiễn, phục vụ các chương trình lớn của quốc gia, các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Chủ quyền lãnh thổ quốc gia; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; tư vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chính sách, giải pháp phòng, chống dịch, khôi phục và phát triển kinh tế; chuyển đổi số…

Về tự chủ đại học, vị thế, vai trò, ĐHQGHN cần tổng kết thực tiễn triển khai mô hình ĐHQGHN từ năm 1993 tới nay, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn để đề xuất cụ thể với các cấp có thẩm quyền. Tinh thần chung là tăng thẩm quyền, tăng phân cấp, tăng tự chủ và tính linh hoạt. ĐHQGHN cần đi tiên phong thí điểm các chính sách, mô hình đổi mới trong giáo dục đại học trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam.

Tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy, cách làm mới. Trong năm 2022, Ban Giám đốc ĐHQGHN chuyển lên Hòa Lạc làm việc, tập trung chỉ đạo triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học; việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn.

Khu đô thị đại học quốc gia có thể xây dựng theo hướng mô hình “5 trong 1” gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu./.
HỒNG NHUNG