Văn hóa đối ngoại góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

Xã hội - Ngày đăng : 19:41, 04/12/2021

(BKTO) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua, các đại biểu đã nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối ngoại, đồng thời khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa, trong đó có hoạt động văn hóa đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Phát triển văn hóa, văn hóa đối ngoại cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định.


Các hoạt động văn hóa đối ngoại được coi trọng

Trong chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa tự hào là một trong những lĩnh vực giao lưu, hội nhập quốc tế từ rất sớm. Quá trình giao lưu, đối thoại, tiếp biến văn hóa đã góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu có hơn nền văn hóa đa dạng của dân tộc Việt Nam, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch… với quốc tế.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết, Chiến lược của Chính phủ, đặc biệt là Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/02/2015, công tác văn hóa đối ngoại và hội nhập quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch đã được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt được những kết quả đáng khích lệ; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
                
   

Thông qua văn hóa đối ngoại góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến gần với thế giới. Ảnh: Báo Quốc tế

   

Các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam diễn ra ở khắp các châu lục trên thế giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được đầu tư tổ chức quy mô, có trọng tâm, trọng điểm nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các nước. Tiêu biểu như: Năm Pháp - Việt (2013-2014), Năm Việt - Nga (2019-2020), Năm Đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, Campuchia, chuỗi chương trình văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, các hoạt động văn hóa đối ngoại trong thời gian vừa qua cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược văn hóa đối ngoại, quảng bá được các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới; làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; đồng thời, tạo điều kiện để công chúng Việt Nam được tiếp cận với những giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả của văn hóa đối ngoại

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa, trước những nguy cơ đặt ra do đại dịch Covid-19 làm chậm quá trình toàn cầu hóa, thậm chí, thay đổi trật tự thế giới và làm biến đổi nhiều thói quen, lối sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày, Việt Nam vẫn vững vàng tiến về phía trước. Ngay trong thời kỳ dịch bệnh, ta vẫn duy trì các hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa. Sắp tới, dù tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường, nhưng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vẫn là xu hướng không thể đảo ngược.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hợp tác quốc tế, hội nhập sâu rộng hơn nữa để phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi nhận thức, hành động nhằm phát triển, nâng tầm văn hóa cần được đẩy cao hơn nữa.

Trước hết, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách phát triển ngành văn hóa theo hướng giải phóng sức sáng tạo, để “văn hóa, sáng tạo trở thành động lực của sự phát triển bền vững”, có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước.
                
   

Các hoạt động văn hóa đổi ngoại cần tiếp tục được tăng cường hơn nữa. Ảnh: Tổ quốc

   

Thứ hai, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam, xây dựng các thương hiệu, sản phẩm văn hóa đối ngoại đặc sắc, là thế mạnh, bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch quảng bá tại nước ngoài.

Tiếp tục phát triển hệ thống các Trung tâm văn hóa Việt Nam và đội ngũ tùy viên văn hóa Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn trọng điểm như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Campuchia... với phương châm kiều bào Việt Nam ở nước ngoài chính là những chủ thể văn hóa, là hạt nhân để lan toả giá trị, vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam, là nguồn lực đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển văn hóa số, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào việc quảng bá và tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, minh chứng cho sự “tiên tiến”, tính “khoa học” của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Việc triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 cần hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.
         
Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Chiến lược đã xác định mục tiêu tổng quát về việc sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

N.LỘC