Cung ứng đủ tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 22:22, 08/12/2021
(BKTO) - Ngành ngân hàng bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, quản lý tiền mặt, đảm bảo an toàn kho quỹ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Ảnh:sbv.gov.vn |
Ngày 08/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.
Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, NHNN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, các đơn vị trong hệ thống đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Thống đốc NHNN về công tác tiền tệ - kho quỹ, thực hiện tốt công tác cung ứng, đảm bảo cơ cấu tiền trong lưu thông hợp lý.
NHNN đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác đảm bảo an toàn kho quỹ trong toàn Ngành, đảm bảo các quy định chặt chẽ, phù hợp với hoạt động thực tiễn của các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, cung ứng tiền mặt và hoạt động kho quỹ ngân hàng.
Đặc biệt, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đảm bảo cho công tác kho quỹ trong hệ thống ngân hàng triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, tuân thủ quy định, quy trình trong tất cả các khâu. Do đó, công tác an toàn kho quỹ trong toàn ngành ngân hàng về cơ bản đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả quan trọng.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị cần xác định công tác quản lý tiền mặt, công tác an toàn kho quỹ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Ngành ngân hàng phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.
Phó Thống đốc thường trực cho rằng, toàn ngành cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền mặt, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, cơ chế… liên quan đến vấn đề quản lý kho quỹ, tiền mặt cho phù hợp với thực tiễn hơn, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào lĩnh vực này; cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông, đảm bảo cơ cấu mệnh giá hợp lý và cần thiết; phấn đấu giảm thanh toán tiền mặt bằng cách đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra đối với tất cả các tổ chức tín dụng, đưa nội dung thanh tra về an toàn kho quỹ, chấp hành quy định về quản lý tiền mặt, kho quỹ là nội dung thường xuyên.
Các TCTD phải tự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn các chi nhánh, phòng giao dịch để tránh những rủi ro có thể xảy ra; quan tâm và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển phục vụ cho việc đảm bảo an toàn lĩnh vực kho quỹ…/.
THÀNH ĐỨC