Chấn hưng nền văn hóa, cần bắt đầu từ cán bộ trực tiếp làm văn hóa

Xã hội - Ngày đăng : 08:39, 09/12/2021

(BKTO) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra vừa qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm chấn hưng nền văn hóa được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, đó là không ngừng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa.


"Hội nghị Diên Hồng" tạo luồng gió mới để chấn hưng nền văn hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng, trong những năm vừa qua, ngành VH,TT&DL đã có những bước phát triển vượt bậc, văn hóa nghệ thuật đã được quan tâm phát triển. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã được quan tâm đầu tư hiệu quả góp phần nâng cao đời sống hưởng thụ tinh thần của nhân dân; thể thao thành tích cao cũng đã gặt hái nhiều thành quả trên đấu trường khu vực và quốc tế; du lịch Việt Nam ghi dấu với việc đạt và vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển.
                
   

Văn hóa đứng trước cơ hội chấn hưng để thực hiện tốt hơn sứ mệnh trong thời đại mới. Ảnh: N.LỘC

   

Đóng góp cho sự phát triển của ngành VH,TT&DL, vai trò của đội ngũ trí thức là vô cùng quan trọng. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".

Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp"


Điều đó cho thấy, công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Muốn vậy, cần phải tạo được động lực đủ mạnh, tạo được sự gắn bó của người làm về văn hóa, trực tiếp là các cán bộ văn hóa, đối với ngành nghề công tác.

Do đó, việc đổi mới một cách toàn diện chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa là yêu cầu bức thiết được đặt ra và đã được nhấn mạnh tại "Hội nghị Diên Hồng" về văn hóa vừa qua.

Kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ tạo những luồng gió mới cho phát triển văn hóa, Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trước tiên, có thể kỳ vọng vào việc xây dựng hệ thống lý luận mới, hình thành hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ xây dựng đội ngũ những nhà quản lý văn hóa có tầm nhìn, năng lực, tâm huyết và những người làm văn hóa chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về văn hóa, gắn bó với văn hóa.

Đặc biệt, qua Hội nghị lần này, những người làm văn hóa cũng cần nhận biết rõ những thay đổi của thời cuộc, bám sát bối cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ mới mà Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, cần có sự đổi mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới, theo kịp với dòng chảy cuộc sống và thời đại.

Làm mới công tác cán bộ văn hóa

Nhằm triển khai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó có vấn đề cốt yếu là con người, ngày 07/12, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển theo Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, kết nối với các kết quả đã được thực hiện tại Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL giai đoạn 2011-2020 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030".
                
   

Đổi mới văn hóa, cần bắt đầu từ cán bộ làm văn hóa. Ảnh: Tạp chí Tổ chức

   

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL giai đoạn vừa qua và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ người làm công tác văn hóa trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh An Giang cho biết, trong bối cảnh mới, khi đất nước đang cần những "động lực mềm" để vượt qua khó khăn, cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của văn hóa, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc… Đặc biệt, cần quan tâm hơn yếu tố con người, đầu tư cho nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, vì đây là đối tượng sáng tạo và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa mới để đem đến những sản phẩm tinh thần cho xã hội và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam đến thế giới.

Còn theo Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công, thực tế hiện nay vẫn còn có tình trạng coi nhẹ vai trò của cán bộ văn hóa, coi đó là những công việc không quan trọng, từ đó dẫn đến việc sắp xếp công việc cho cán bộ làm về văn hóa khá tùy tiện, nhất là ở cơ sở. Do đó, đầu tư cho văn hóa, cần bắt đầu từ nhận thức, nhìn nhận đúng về công tác văn hóa, người làm văn hóa.

Bản thân người làm công tác văn hóa cũng cần tự nâng tầm của mình thông qua việc điều chỉnh hành vi, ứng xử và chú trọng nâng cao trình độ, kiến thức. “Không ai khác, chính các cán bộ văn hóa được đào tạo bài bản, có trình độ, phẩm chất tốt sẽ lan tỏa những giá trị văn hóa trong cộng đồng từ lối ứng xử thường ngày cho đến công việc đang làm” – ông Công nhấn mạnh.
         
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương.
N.LỘC