Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Đối nội - Ngày đăng : 12:20, 09/12/2021

(BKTO) - Chiều 05/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chăm lo đời sống cho nhân dân.


                
   

Thủ tướng yêu cầu dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.
   Ảnh:Chính phủ

   

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tình hình thiên tai, cho đến nay, bão lũ năm 2021 tuy không khốc liệt như năm 2020 nhưng mang nhiều yếu tố bất thường. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 19 người chết, mất tích. Mưa lũ làm 26 nhà bị sập, đổ; 1.657 ha lúa và 1.097 ha hoa màu bị thiệt hại, 2.648 con gia súc, 71.897 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 26 km đường giao thông bị sạt lở...

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đã quyết liệt triển khai các giải pháp với mục đích lớn nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân, cùng với đó là bảo vệ tài sản của người dân và Nhà nước. Đến nay, tình hình mưa lũ đã giảm; cơ bản các tuyến đường đã thông xe; mực nước các sông đã xuống dưới báo động 1; người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất.
                
   

Các địa phương tham dự tại các điểm cầu. Ảnh: Chính phủ

   

Kết luận cuộc làm việc,Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc, lăn lộn ngày đêm của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp, các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác, đã cố gắng làm tốt nhất trong khả năng có thể để ứng phó thiên tai, cứu giúp người dân và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.

Trước mắt, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh.

Một nhiệm vụ khác là tập trung khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, vệ sinh, dọn dẹp môi trường, nhất là tại các trường học, cơ sở y tế, thu gom xử lý rác thải… Cùng với đó, khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở; khắc phục các sự cố, khôi phục việc cấp điện, nước, bảo đảm thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm khác; khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, hồ đập…; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và DN.

Thủ tướng yêu cầu sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sau đợt mưa lũ vừa qua. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng Đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai tại miền Trung, Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng chống, ứng phó thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khả năng thích ứng, ứng phó, dự báo, cảnh báo lũ lụt, thiên tai, tránh tình trạng diễn tập suôn sẻ nhưng khi có sự cố xảy ra thì lúng túng. Hỗ trợ người dân về nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai. Nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…

Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Việc hỗ trợ các địa phương về gạo, tài chính… cần trên tinh thần tiết kiệm, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả.../.
HỒNG NHUNG