Ngân hàng đồng loạt đẩy mạnh huy động vốn
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:37, 14/12/2021
(BKTO) - Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của DN dịp cuối năm, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động và đưa ra nhiều chương trình gửi tiết kiệm hấp dẫn.
Ảnh minh họa - Nguồn:Internet |
Tăng lãi suất huy động
Thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, tháng 11/2021, lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng tăng nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Cụ thể, lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng cùng tăng trung bình 0,01%/năm, lần lượt lên 4,71%/năm và 5,51%/năm.
Đầu tháng 12/2021, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng từ 0,1 - 0,8%. Xu hướng này diễn ra ở cả ngân hàng có quy mô nhỏ lẫn các ngân hàng lớn, thuộc nhóm được nới room tín dụng cao.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức lãi suất dành cho phân khúc khách hàng DN đã được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đến 60 tháng so với tháng trước.
Việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm rõ nét hơn ở khối ngân hàng thương mại tư nhân. Điển hình là mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong 2 tháng trở lại đây của Eximbank.
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank) tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại GPBank là 6,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn từ 0,4 - 0,8 điểm %/năm…
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) niêm yết mức lãi suất tiết kiệm 7,1%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện số tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) dành lãi suất 6,99%/năm cho khách hàng đáp ứng điều kiện gửi 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) áp dụng mức lãi suất 7,1%/năm cho khoản tiền gửi theo kỳ hạn từ 30 tỷ đồng và mức 6,85%/năm đối với tiết kiệm ưu tiên/tài khoản Phúc An Lộc từ 30 tỷ đồng…
Các biểu lãi suất huy động tại nhiều nhà băng cho thấy số lượng ngân hàng có mức lãi suất huy động cao từ khoảng 6,4% đối với kỳ hạn từ 12 tháng hiện chiếm khá đông trong hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng đang ưu tiên huy động các khoản tiền lớn, kỳ hạn dài, đảm bảo ổn định nguồn vốn.
Ưu tiên lãi suất “cộng thêm”
Không chỉ tăng lãi suất tiết kiệm, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình ưu đãi và đặc biệt ưu tiên lãi suất “cộng thêm” cho khách hàng có khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài, gửi tiết kiệm trực tuyến, chưa kể một số điều kiện khác tùy theo chương trình ở mỗi nhà băng.
Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), từ nay đến hết ngày 31/12/2021, 2.000 khách hàng đầu tiên mỗi tháng gửi tiền tiết kiệm trên ứng dụng VietinBank iPay Mobile lần đầu được cộng thêm lãi suất 0,3 - 0,4%/năm tùy kỳ hạn gửi. Ngoài ra, ở kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống, VietinBank còn cộng lãi suất 0,3%/năm với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, cộng 0,4%/năm với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng...
Hay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI chỉ từ 5 triệu đồng cũng sẽ được hưởng lãi suất cộng thêm đến 0,3% so với quầy và được tặng điểm thưởng tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi tiết kiệm. Với điểm thưởng, khách hàng có thể đổi thành tiền mặt hoặc voucher giảm giá như: nạp tiền điện thoại, ăn uống, mua sắm...
Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động vốn và đưa ra nhiều chương trình gửi tiết kiệm hấp dẫn khách hàng là giải pháp để các nhà băng thu hút vốn, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của DN dịp cận Tết.
Mặt khác, số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng liên tục giảm kể từ tháng 3 năm nay.
Cụ thể, từ tháng 3/2021 đến nay, tiền gửi của người dân tăng trưởng rất thấp, không tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí trong tháng 9, huy động vốn của hệ thống ngân hàng chỉ đạt hơn 5,291 triệu tỷ đồng, giảm tới gần 1.500 tỷ đồng so với tháng 8/2021.
Do vậy, nhiều ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất huy động để đề phòng rủi ro thanh khoản khi nhu cầu vay vốn tăng mạnh dịp cuối năm. Đồng thời, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp suốt một thời gian dài.
Ngoài ra, theo đại diện các ngân hàng, bên cạnh lý do thu hút vốn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn vào cuối năm, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, việc tăng lãi suất huy động còn giúp kênh tiền gửi ngân hàng có thể cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản./.
THÀNH ĐỨC (tổng hợp)