Công tác quản lý lễ hội: Tạo sự chuyển biến thực chất từ ý thức người dân

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 19/01/2017

(BKTO) - Đó là lưu ýcủa GS.TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tínngưỡng dân gian Việt Namvề công tác quản lý lễ hội. Chia sẻ với Báo Kiểm toán, GS. Thịnh cho rằng,trong năm tới, những chuyển biến trong công tác quản lý lễ hội cần được xuấtphát từ nhận thức, ý thức của người dân chứ không phải là hệ quả của những biệnpháp hành chính.



GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ảnh: PHỐ HIẾN
Thưa Giáo sư, khép lại năm 2016, công tác quản lý lễ hội được cho là có nhiều chuyển biến. Giáo sư có nhận xét gì về vấn đề này?

Qua theo dõi hoạt động lễ hội ở các địa phương trên cả nước trong năm qua, chúng tôi cũng thấy đáng mừng, vì công tác quản lý, việc chấp hành các quy định trong lễ hội diễn ra khá quy củ, nghiêm túc. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn. Các hoạt động lễ hội được gắn kết với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng kinh doanh, dịch vụ luôn là “điểm đen” trong hoạt động lễ hội thì năm vừa qua, tình trạng này đã giảm nhiệt đi rất nhiều; nạn đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, khấn bái không đúng quy định cũng đã được chấn chỉnh…
Bên cạnh nét chuyển biến, công tác quản lý lễ hội vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục. Điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, đốt vàng mã, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định; nội dung lễ hội không có gì đặc sắc, thậm chí là bị biến tướng, phản cảm…

Nhiều ý kiến cho rằng, những tồn tại vừa qua là hệ quả của tình trạng lễ hội mở tràn lan, thiếu kiểm soát. Quan điểm của Giáo sư ra sao?

Tôi cho rằng ý kiến đó rất đúng. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có gần 8 nghìn lễ hội, trong đó có 7 nghìn lễ hội dân gian và hàng trăm các lễ hội với đủ tính chất, quy mô khác nhau… Nhẩm tính trung bình mỗi ngày trên cả nước diễn ra khoảng 22 lễ hội. Những lễ hội như: Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội đền Trần (Nam Định)… là những lễ hội gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, rất cần thiết phải bảo tồn, phát huy giá trị. Nhưng thực tế có không ít lễ hội mới được mở ra hoặc du nhập vào; nhiều lễ hội, nghi lễ dân gian không còn phù hợp với hiện tại cần loại bỏ như: Lễ hội chọi trâu, nghi lễ chém lợn…
Để giảm thiểu những tồn tại nêu trên, tôi cho rằng cơ quan quản lý cần giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Đi đôi với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội, điểm di tích, cơ quan chức năng cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong quá trình thực hành tín ngưỡng, tham gia lễ hội. Bởi sự chuyển biến chỉ bền vững, thực chất khi mà nhận thức, ý thức của người dân được nâng lên.

Sau mỗi mùa lễ hội, số tiền công đức tại các di tích là không hề nhỏ, thế nhưng mỗi đợt trùng tu di tích lại tiêu tốn không ít tiền ngân sách. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đây cũng là vấn đề nhận được quan tâm của đông đảo người dân, chứ không phải riêng cá nhân nào. Câu chuyện quản lý, sử dụng tiền công đức ra sao được đặt ra từ lâu, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ai cũng biết số lượng tiền công đức rất lớn nhưng lớn đến đâu, không ai nắm được, nên cũng không biết việc chia sẻ lợi ích được thực hiện như thế nào.
Câu chuyện về việc xử lý tiền công đức tại Đền ông Hoàng Mười (Nghệ An) chính là một bài học rất đáng để suy ngẫm. Trước đây, tiền công đức thu được nộp vào kho bạc tổng cộng 1,5 tỷ đồng, từ khi có Ban quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền đó là 11 tỷ đồng. Sự thay đổi trong mô hình quản lý đã mang lại hiệu quả trông thấy đối với việc công khai, minh bạch trong sử dụng tiền công đức. Nhưng thử hỏi, mấy nơi làm được như tại di tích này? Đứng về mặt quản lý nhà nước đã có Nghị định, Thông tư liên bộ, có Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng, yêu cầu phải công khai, minh bạch trong việc sử dụng tiền công đức. Song mô hình quản lý thế nào là thích hợp vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi hằng năm, NSNN tiêu tốn không biết bao nhiêu cho công tác trùng tu di tích. Đơn cử như Hà Nội, địa phương có nhiều di tích nhất của cả nước, mỗi năm, nơi đây cũng chi đến cả nghìn tỷ đồng cho trùng tu di tích, chủ yếu vẫn là tiền ngân sách.

Do đó, tôi cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề này. Đừng đổ lỗi cho vấn đề nhạy cảm mà lảng tránh, ngại va chạm. Tiền công đức do nhân dân, du khách thập phương đóng góp, cần phải được tái đầu tư cho di tích, chứ không thể tự ý chi dùng, sau đó lại lấy tiền ngân sách ra để trùng tu, tôn tạo di tích.
NGUYỄN LỘC