Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 23:25, 14/12/2021
(BKTO) - Đây là khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN & ĐMST) và nguồn nhân lực do Bộ KH&CN phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức.
Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn:most.gov.vn |
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, KH, CN & ĐMST là nội dung quan trọng và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.
Ngay trong nhiệm kỳ này, Bộ KH&CN đã đăng ký trình Quốc hội 5 luật, đều là những luật sẽ có tác động lớn đến hoạt động KH, CN & ĐMST như: Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã “đặt hàng” Bộ nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng Luật Vũ trụ quốc gia trong thời gian tới.
“Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại 2 Viện Hàn lâm, 2 Đại học Quốc gia, là các đầu mối quản lý KH, CN & ĐMST lớn nhất của đất nước. Sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành cũng như cho sự phát triển của kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Chiến lược phát triển KH,CN & ĐMST giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); đạt tối thiểu 45% tỷ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo. Đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5 - 2% GDP, trong đó, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1 - 1,2% GDP và đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65 - 70%. Phấn đấu đến năm 2030, số DN đạt tiêu chí KH&CN và số DN khởi nghiệp ĐMST tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ DN có hoạt động ĐMST đạt 40% trong tổng số DN... |
Tại Hội nghị, Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia TP. HCM Lâm Quang Vinh thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động KH&CN, đó là việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của các công nghệ mới; thương mại hóa sáng chế khó khăn dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế; chưa có các mô hình tổ chức KH&CN mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt.
Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, ông Lâm Quang Vinh cho rằng, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm nền tảng, lấy “nhân sự - hợp tác - tài chính” là trụ cột và các định hướng đột phá là mũi nhọn. Các trường đại học cần xây dựng lộ trình công nghệ nhất định để có chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm nghiên cứu khoa học cao, cùng nhau giải quyết bài toán đặt hàng của Nhà nước và DN…
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng, công tác nghiên cứu cần gắn với nhu cầu của xã hội. Giai đoạn tới, các bên liên quan cần tập trung hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, hướng đến hợp tác công tư trong KH&CN nhằm đẩy mạnh ĐMST. Cụ thể, Đại học Quốc gia sẽ đặt hàng nghiên cứu theo hướng kinh doanh.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng DN đều thống nhất rằng, để phát triển KH, CN & ĐMST, chúng ta phải có sản phẩm công nghệ dẫn dắt. Nhà nước cần quan tâm hơn, có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các nhà sáng chế, nhà khoa học, bao gồm cả các nhà sáng chế không chuyên để kịp thời có cơ chế chính sách phát triển các sản phẩm.
Việc phát triển KH, CN & ĐMST cần gắn với nhu cầu xã hội và tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu KH&CN công lập và tư nhân, hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Để đo lường hoạt động về ĐMST và đánh giá toàn diện khía cạnh KH&CN, Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ và có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa.
Tại Hội nghị,Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.Chương trình hướng tới phối hợp công tác trong tư vấn chính sách, định hướng giải pháp phát triển KH, CN & ĐMST và nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin về thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu…; xây dựng các mô hình liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia. |
THÙY LÊ
(Tin viết lại từ trang của Bộ KHCN)