Nền kinh tế đang có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn cần thêm trợ lực để phục hồi

Kinh tế - Ngày đăng : 14:09, 16/12/2021

(BKTO) - Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 12/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực…


                
   

Nguồn:WB

   

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, bán lẻ phục hồi mạnh mẽ

Theo báo cáo của WB, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% trong tháng 11 so với tháng trước, một phần nhờ các hoạt động kinh tế được khôi phục ở các tỉnh thành phía Nam, tăng 13,3% so tháng trước. Với sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 11, chỉ số này đã vượt mức được ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 trong tháng 11, tương đương với tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50, cho thấy tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế.
                
   

Nguồn:WB

   

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% trong tháng 11 so với tháng trước, nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn thấp hơn 12,2% so với mức ghi nhận vào tháng 11/2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục ở mức 31,9 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 11 nhờ xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ tăng trưởng 6,1% so cùng kỳ năm trước trong tháng 10 lên đến 26,5% so cùng kỳ năm trước trong tháng 11, cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (24,1% so cùng kỳ năm trước).

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD. Xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể do các hoạt động chế biến, chế tạo được khôi phục, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao.
                
   

Nguồn:WB

   

Số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng 45% trong tháng 11 so tháng trước - tháng tăng thứ hai kể từ tháng 5. Số lượng DN rút lui khỏi thị trường cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với số lượng DN gia nhập. Số DN quay trở lại hoạt động cao hơn số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

Vốn FDI, tăng trưởng tín dụng duy trì ổn định

Báo cáo của WB chỉ rõ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được giữ vững, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Vốn FDI đăng ký tăng 71,2% trong tháng 11 so tháng trước sau khi giảm trong tháng 10 nhờ đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo phục hồi (tăng 40,2% so tháng trước).
                
   

Nguồn:WB

   

Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam đã thu hút được 26,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tương đương với con số cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi sau khi giảm mạnh trong quý III (tăng 4,3% trong tháng 11 so với tháng trước) nhưng vẫn chưa quay lại mức ghi nhận năm trước đó. Tính chung 11 tháng, giải ngân vốn FDI thấp hơn 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 13,9% trong tháng 11 so cùng kỳ năm trước, tương đương với mức tăng trong tháng 10 và tháng 9. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, qua đó cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ các DN vượt qua khủng hoảng.

Với tín dụng tăng trưởng ổn định, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được giữ ở mức bình quân 0,63%, tương đương với lãi suất trong tháng 10 và tháng 9.
                
   

Nguồn:WB

   

Tính đến cuối tháng 11, thặng dư ngân sách tăng lên mức 120,3 nghìn tỷ đồng (5,2 tỷ USD) nhờ bội thu 45,4 nghìn tỷ đồng (2 tỷ USD) trong tháng 11. Tổng thu ngân sách tháng 11 ước tăng 12,3% so tháng trước và 33,4% so cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng, tổng thu đã vượt dự toán năm 2021 (cao hơn 3,4%). Tổng chi ngân sách tăng 9,4% trong tháng 11 so cùng kỳ năm trước, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 4/2021.

Mặc dù vậy, tổng chi ngân sách trong 11 tháng vẫn thấp hơn 7,4% so cùng kỳ năm trước và đạt 75,2% dự toán. Chi ngân sách giảm do cả chi thường xuyên và chi đầu tư đều giảm (lần lượt 5,8% và 12,3% so cùng kỳ năm trước).

Chú trọng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Các chuyên gia của WB khuyến nghị: Chính sách sống chung với Covid đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng.

Mặc dù tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đang theo xu hướng giảm nhưng số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin, các biện pháp thận trọng về giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế vẫn có vai trò quan trọng để tránh dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới, ảnh hưởng đến sinh mạng và buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.

Về chính sách tài khóa, trong thời gian tới, cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng. Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 nhằm hỗ trợ tiêu dùng tư nhân.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam - ông Jacques Morsset - cũng nhận định: Việt Nam còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa cho phục hồi kinh tế.

Trong đó, các chính sách thuế cần được chú trọng như: thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép DN mục tiêu được khấu trừ bổ sung như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi; tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa dịch vụ… Đây là cơ sở để đảm bảo nguồn lực cho NSNN và là một trong những công cụ giúp bảo vệ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

GS,TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các cộng sự cũng cho rằng, chính sách tài khóa cần đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn người lao động di cư và lao động tự do trong khu vực phi chính thức, các đối tượng dễ tổn thương; gia tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách hiện tại về miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội.../.

THÀNH ĐỨC