Triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Kinh tế - Ngày đăng : 19:39, 17/12/2021
(BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Kế hoạch đặt ra yêu cầu xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện Kế hoạch; việc thực hiện các nhiệm vụ phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả và khả thi.
Một trong những nội dung thực hiện là tập trung soạn thảo, xây dựng, trình các dự án, dự thảo theo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong Đề án.
Bên cạnh đó, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật. Trong đó, chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật. Hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật. Khai thác, ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số để đổi mới phương pháp, rút ngắn quy trình, tiết giảm thời gian, nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021, năm 2022 và nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu xây dựng mới từ nay cho đến hết năm 2025.
Đồng thời, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng; nghiên cứu, rà soát; nghiên cứu xây dựng mới các dự án luật được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật.
Kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ lập pháp để bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng được đề ra trong các văn kiện mới của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy mạnh và đối mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức; lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của văn bản và nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để đảm bảo tính khả thi; cử người đại diện đúng thẩm quyền, tham gia đầy đủ trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và kịp thời báo cáo Chính phủ những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau hoặc phát sinh để giải trình, bảo vệ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định./.
HỒNG NHUNG