Nâng cấp, phát triển hạ tầng và các dịch vụ thanh toán hiện đại

Kinh tế - Ngày đăng : 23:24, 21/12/2021

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm theo Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

   

NHNN vừa Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo Kế hoạch, NHNN sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại một số văn bản luật hiện hành; nghiên cứu xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán; hoàn thiện việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM.

Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với giao dịch mua, bán tài sản có giá trị lớn.

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ TTKDTM, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ TTKDTM với chi phí hợp lý…

Xây dựng, ban hành và triển khai Chiến lược phát triển với các hệ thống thanh toán đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cấp, hiện đại hóa Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuấn quốc tế, tăng cường khả năng kết nối, tích hợp và thực hiện thanh, quyết toán cho các hệ thống khác.

Hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ thanh toán trực tuyến; mở rộng, kết nối với hệ thống chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử của các quốc gia khác…

Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác.

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh, giải pháp số tiên tiến, đổi mới gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phối hợp hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc để phục vụ yêu cầu phối hợp thu, chi NSNN bằng phương thức TTKDTM.

Tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí.

Kết nối, chia sẻ thông tin với các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thu học học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức TTKDTM…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM. Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM…/.
THÀNH ĐỨC