Việt Nam có bước tiến lớn về hội nhập trong lĩnh vực lao động - xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 11:38, 22/12/2021

(BKTO) - Với việc tham gia vào các hiệp định tự do thế hệ mới, Việt Nam đã có bước tiến lớn về mức độ hội nhập, cả trong lĩnh vực kinh tế và lao động - xã hội.


                
   

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh:molisa.gov.vn

   

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thảo Xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giai đoạn 2022-2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết: Với việc tham gia vào 2 Hiệp định tự do thế hệ mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã có bước tiến lớn về mức độ hội nhập, cả trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực lao động - xã hội.

Cùng với đó, tốc độ hợp tác quốc tế nhanh chóng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hội nhập ASEAN, sự thay đổi trong quy định về quản lý dự án, hội nghị hội thảo… cũng là những nhân tố mới, đặt ra nhu cầu cần phải điều chỉnh kế hoạch hội nhập quốc tế.

“Hội thảo Xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giai đoạn 2022-2025 được tổ chức nhằm thảo luận, lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các đơn vị về Dự thảo Kế hoạch tổng thể. Đồng thời lồng ghép các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược đến năm 2030 trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng” - ông Nguyễn Mạnh Cường thông tin thêm.

Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho biết: Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu việc mở rộng cơ hội hợp tác, hội nhập quốc tế về lao động và xã hội, thể hiện rõ trong việc Việt Nam đã chủ động tham gia vào các cơ chế, thiết chế quốc tế, hoàn thiện thể chế trên cơ sở tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về lao động - xã hội; lồng ghép, nội luật hóa các cam kết quốc tế, các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế trong xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống quản lý và hệ thống dịch vụ chuyên ngành.

Quá trình hội nhập quốc tế đã hỗ trợ và thay đổi cách tiếp cận trong chuyển dần từ thụ động sang chủ động tham gia, chuyển giao tri thức, kỹ năng quản lý, nhất là tập trung vào nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện và đánh giá việc thực thi.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều đổi thay, nhiều mục tiêu hội nhập quốc tế về lao động - xã hội sẽ cần thời gian để điều chỉnh việc thực hiện và đánh giá tổng thể mức độ đạt được cho phù hợp với tình hình mới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã thảo luận, góp ý vào Dự thảo Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giai đoạn 2022-2025. Đây là cơ sở để Bộ hoàn thiện, ban hành Kế hoạch trong thời gian tới./.
THÀNH ĐỨC