Ngành thông tin - truyền thông đóng góp quan trọng trong giai đoạn khó khăn của đất nước
Đối nội - Ngày đăng : 16:50, 23/12/2021
(BKTO) – Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022-2024, định hướng đến năm 2025 của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) diễn ra vào chiều 22/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần đẩy mạnh triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư để phục vụ người dân. Ảnh: Bộ TT&TT. |
Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT tăng 9% so với năm 2020
Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia.
Trong thời gian rất ngắn, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng CĐS trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, DN trên cả nước.
Các DN bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy thương mại điện tử, logistics, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Đến tháng 11/2021, đã có hơn 3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử.
CĐS quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%, tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%, tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%, ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.
Công tác truyền thông, báo chí đã tích cực cập nhật, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam; đã hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định CĐS là động lực của phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng, năm 2021 đã “đẩy” cả nước vào CĐS nhưng hạ tầng, cách làm vẫn là thời CNTT. Nếu trong điều kiện bình thường có thể chúng ta vẫn tiếp tục làm việc trên giấy tờ và tạo ra thành công trên giấy tờ nhưng Covid-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã đẩy chúng ta ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về CĐS, về truyền thông.
Theo Bộ trưởng, ngành TT&TT đã tiếp cận đúng các vấn đề. Thay vì lo sợ, tìm cách giấu đi hay bao biện thì đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết.
Năm 2022 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí sẽ được đẩy mạnh.
Để thúc đẩy CĐS, báo chí phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số và công cụ pháp lý số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2022 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở các ngành trong đó có báo chí. Ảnh: Bộ TT&TT. |
Đẩy mạnh triển khai dữ liệu, chủ động cung cấp thông tin sớm nhất cho báo chí
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 2021 là một năm rất khó khăn của đất nước, nhưng tất cả đã cùng nhau vượt qua. Ngành TT&TT có đóng góp rất quan trọng và không thể thiếu trong giai đoạn đó. Giờ đây, ngành TT&TT không chỉ tiên phong, mở đường mà còn đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, trong công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, báo chí và truyền thông đã đồng hành với Chính phủ và các Bộ, ngành. Ngành TT&TT đã đồng hành với các ngành khác, qua đó động viên được nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách trong từng ngành và chính sách chung.
Điều này thể hiện rất rõ trong quãng thời gian chống dịch Covid-19. Nhờ làm tốt điều đó, Bộ TT&TT đã huy động được toàn bộ người dân đồng hành.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục đồng hành với các Bộ, ngành trong chống dịch, chủ động cùng các Bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất cho báo chí, nếu không xã hội sẽ đặt rất nhiều vấn đề, làm ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội vào chủ trương, giải pháp của Bộ, ngành, địa phương.
Bộ có trách nhiệm cảnh báo và yêu cầu cơ quan cung cấp thông tin. Năm tới, Bộ cần cùng với Ban Tuyên giáo làm tốt hơn điều đó, chủ động hơn một bước.
Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ TT&TT. |
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải đẩy mạnh hơn về dữ liệu. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân cư, hiện nay, cần đẩy mạnh triển khai để phục vụ người dân.
Nếu triển khai tốt đề án về CSDL dân cư và giao Bộ Công An quản lý, khi người dân đã khai báo thông tin cơ bản về nhân thân thì chỉ cần khai báo một lần duy nhất. Khi đó, người dân mới thấy mình có lợi.
Bên cạnh đó, CSDL về DN đã làm rất tốt ở thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký DN... Bây giờ, cần kết nối lại và nâng tầm sao cho các DN cũng như vậy, không phải phục vụ thanh kiểm tra hay báo cáo kim ngạch như trước nữa để tiết kiệm thời gian cho DN.
Phó Thủ tướng đề nghị năm 2022 cơ bản phải hoàn thành CSDL về tài nguyên, đặc biệt quan trọng nhất với người Việt Nam là tài nguyên đất đai.
Nếu làm được 3 CSDL lớn đó cộng với thanh toán điện tử thì CĐS, kinh tế số, xã hội số sẽ có những bước tiến thực chất.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không lường được dịch Covid-19 sẽ thế nào và cần tiếp tục ứng dụng, hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là thời cơ tận dụng để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Bộ TT&TT cam kết xử lý công việc một cách nhanh nhất theo tinh thần: việc 5 năm làm 1 năm và khi có khó khăn thì gặp gỡ trực tiếp./.
THÙY ANH