Gỡ “rào cản” để gia tăng thu hút đầu tư từ Australia vào Việt Nam
Đối nội - Ngày đăng : 22:35, 23/12/2021
(BKTO) - Đầu tư trực tiếp từ Australia vào Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam cần tháo gỡ những vấn đề của môi trường đầu tư đang còn gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, để có thể gia tăng thu hút đầu tư.
Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Tăng cường đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập CPTPP và RCEP”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills) tổ chức ngày 22/12.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN |
Đầu tư của Australia vào Việt Nam còn khiêm tốn
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 và đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, các dòng vốn FDI vào Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút FDI lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã nằm trong top 20 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới (Việt Nam đứng vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019). Trong khi đó, Australia là một trong những quốc gia có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn, đứng thứ 15 thế giới năm 2020.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 11/2021, Australia có 545 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn là 1,94 tỷ USD. Hiện nguồn vốn FDI của Australia chỉ chiếm 0,5% trong tổng vốn FDI tại Việt Nam và đứng thứ 19 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI lớn nhất vào nước ta.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI phát biểu. Ảnh: D.THIỆN |
Tuy còn rất khiêm tốn, song theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, đầu tư trực tiếp từ Australia vào Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Cụ thể, hiện tại giữa Việt Nam và Australia đang có 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) chung, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Australia. Do đó, với tác động cộng hưởng từ 3 FTA này và 12 FTA khác của Việt Nam đang thực thi sẽ mở ra những cơ hội lớn để thu hút các doanh nghiệp Australia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Charles Thursby-Pelham - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết thêm, Việt Nam và Australia vừa chính thức công bố “Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia” với mục tiêu đưa hai nước trở thành những đối tác thương mại top 10 của nhau và tăng gấp đôi đầu tư song phương trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy thu hút đầu tư của Australia vào Việt Nam.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư
Mặc dù có nhiều tiềm năng, dư địa để gia tăng thu hút đầu tư từ Australia, song theo các chuyên gia, để có thể hiện thực hóa được những tiềm năng đó, trước tiên Việt Nam cần tìm hiểu và giải quyết triệt để những vấn đề đang cản trở các doanh nghiệp Australia đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, theo Báo cáo “Đầu tư trực tiếp của Australia tại Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và những giải pháp chính sách” thuộc Chương trình Aus4skills, những vấn đề của môi trường đầu tư Việt Nam đang gây cản trở nhiều nhất đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam là: thủ tục hành chính phiền hà, hệ thống thuế còn nhiều bất cập, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao, phát sinh nhiều tiêu cực và chi phí không chính thức, cùng với đó là các hạn chế về cơ sở hạ tầng, về nguồn lao động chất lượng cao…
Để có thể giải quyết được các vấn đề trên, theo TS. Uwe Kaufmann - Giảng viên cao cấp của Viện Kinh doanh Australia, Việt Nam cần cải cách toàn diện khu vực công, thường xuyên rà soát các quy định pháp luật trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Australia…
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách thu hút FDI và hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế và công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư, đồng thời nghiên cứu cách tiếp cận mở phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài...
Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của Australia vào Việt Nam, bà Phùng Thị Lan Phương, chuyên gia Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Australia với các doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Theo bà Phương, thực tế cho thấy, nhiều dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tạo ra những hiệu ứng kết nối tích cực với các đối tác trong nước. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất của các doanh nghiệp Australia đã trở thành kiểu mẫu cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi, đồng thời cũng giúp nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và gia tăng hiệu quả của những kết nối này./.
DIỆU THIỆN