Những vấn đề cần lưu ý khi ngân hàng thương mại tài trợ cho các dự án BT
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:20, 05/12/2017
(BKTO) - Tại Việt Nam gần đây, các dự án BT đang có sự tăng cường trở lại. Theo quy định về nguồn vốn thực hiện hình thức đầu tư này, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia tối thiểu phải là 15% đối với các dự án có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở xuống và 10% đối với phần chênh vượt trên 1.500 tỷ đồng. Vốn huy động khác gồm vốn đầu tư của Nhà nước tham gia hoặc nguồn vốn do nhà đầu tư huy động. Vốn đầu tư của Nhà nước bao gồm vốn từ NSNN, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Ngân hàng thương mại tài trợ hầu hết các dự án BT
Hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia tài trợ cho hầu hết các dự án BT tại Việt Nam. Việc tham gia tài trợ của NHTM phụ thuộc khá nhiều vào cơ chế của hình thức dự án này. Một là cơ quan nhà nước sẽ giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án khác; hai là sẽ thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư xây dựng công trình BT. Với hai cơ chế này, sự tham gia tài trợ của NHTM đối với dự án BT là khác nhau.
Trong trường hợp nhà đầu tư nhận một dự án khác để phát triển nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận (gọi tắt là “dự án đối ứng”), NHTM có thể cần tài trợ đồng thời dự án BT và dự án đối ứng. Trường hợp nhà đầu tư được thanh toán bằng tiền, NHTM chỉ tham gia tài trợ vốn thực hiện công trình BT.
Giữa hai phương thức tài trợ trên, mức độ rủi ro đối với NHTM cũng có sự khác nhau nhất định. Ở trường hợp nguồn trả nợ từ dự án đối ứng, hiệu quả của dự án đối ứng ảnh hưởng nhiều đến phương án tài trợ của ngân hàng. Còn đối với trường hợp nguồn trả nợ từ tiền ngân sách, điểm quan trọng nhất quyết định đến hiệu quả của phương án tài trợ là đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, nguồn vốn thanh toán từ NSNN đã có kế hoạch phân bổ rõ ràng.
Tài trợ các dự án BT là một loại hình tài trợ đặc thù so với loại hình cho vay đối với DN thông thường, do việc tài trợ cho hợp đồng BT liên quan đến hai chủ thể của hợp đồng là nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà nước cũng đã có các quy định riêng đối với loại hợp đồng này, việc tài trợ các dự án BT do vậy cũng có những đặc điểm riêng và những rủi ro riêng.
Nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ là hai chủ thể không thể thiếu trong việc triển khai các dự án BT. Sự tham gia của NHTM vào các dự án BT có ý nghĩa tích cực kép, vừa góp phần đưa nguồn vốn của xã hội vào các công trình xã hội, vừa là một kênh giúp Chính phủ kiểm soát các chi phí của dự án.
Tuy nhiên, khi tài trợ cho dự án BT các NHTM vẫn gặp nhiều khó khăn về khung pháp lý. Những khó khăn vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ để NHTM có thể tham gia sâu và có hiệu quả hơn trong việc tài trợ các công trình theo hình thức đối tác công tư nói chung và loại hình dự án BT nói riêng.
Hạn chế rủi ro khi ngân hàng thương mại tài trợ cho dự án BT
Để hạn chế rủi ro cho các NHTM khi tài trợ dự án BT cũng như phát huy hiệu quả những ưu điểm của hình thức đầu tư này, các ngân hàng cũng như cơ quan hoạch định chính sách cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc tài trợ cho các dự án BT cần phải được xem xét kỹ về mặt pháp lý. Những sai phạm gần đây do Thanh tra Chính phủ công bố liên quan đến ký kết hợp đồng BT của các UBND có phát sinh nhiều tại các nội dung có tính chất pháp lý. Chẳng hạn, UBND không thực hiện việc xây dựng và công bố danh mục dự án xây dựng để kêu gọi đầu tư; việc lựa chọn nhà đầu tư chưa tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, có sự móc nối giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương gây thất thoát cho NSNN; trong hợp đồng BT không quy định giá trị lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng. Khi tiếp cận dự án BT, các NHTM cũng nên xác định những vướng mắc pháp lý hay phát sinh để có các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả và phù hợp.
Thứ hai, nguồn trả nợ từ các dự án BT có đảm bảo để các NHTM thu hồi gốc và lãi vay. Như phần trên đã đề cập, dự án BT có hai hình thức trả nợ bằng tiền từ NSNN và bằng dự án khác.
Trường hợp dự án BT dùng nguồn ngân sách cấp tỉnh để trả nợ, các NHTM tài trợ cần đề nghị cung cấp nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc bố trí đủ nguồn vốn thanh toán cho dự án, nêu rõ giá trị thanh toán tối thiểu cho ngân hàng và nhà đầu tư cũng như kế hoạch phân bổ từng năm. Đối với dự án BT dùng nguồn NSNN để trả nợ, cần phải có danh sách phân bổ NSNN trong thời gian ít nhất 05 năm tiếp theo. Trường hợp nguồn trả nợ cho dự án BT từ dự án đối ứng thì thường gặp nhất là một dự án bất động sản.
Lúc này, năng lực và đặc biệt là kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản của nhà đầu tư có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của dự án BT.
Thứ ba, việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT và dự án đối ứng (nếu có) cần đảm bảo theo đúng tiến độ đặt ra. Cả dự án BT và dự án đối ứng có liên quan đến đất đai, do đó NHTM tài trợ phải lưu ý về các điều kiện phù hợp trong việc giải phóng mặt bằng.
Vấn đề về chi phí và thời gian bàn giao mặt bằng để triển khai dự án luôn là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức tài trợ. Trong hợp đồng BT cần có quy định, trường hợp bàn giao mặt bằng chậm mà không phải do lỗi của nhà đầu tư thì nhà đầu tư có thể được xem xét gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng BT, đi cùng với việc gia hạn này là thời gian trả nợ có thể bị kéo dài.
Tuy nhiên, với những trường hợp chính quyền thực hiện đền bù giải tỏa chậm trễ vì lý do khách quan, NHTM hiện vẫn chưa có cơ chế phù hợp để kéo dài thời hạn trả nợ tương ứng cho nhà đầu tư BT. Đây là một hạn chế cho các NHTM khi tài trợ các dự án này. Để hạn chế rủi ro, các cơ quan quản lý nhà nước nên có giải pháp tổng thể, mang tính chất liên ngành để một mặt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, mặt khác có chính sách hỗ trợ về quy định kéo dài thời hạn trả nợ trong những tình huống khách quan. Có như vậy, hình thức BT mới phát huy được hiệu quả và huy động được nhiều nguồn vốn xã hội cho phát triển hạ tầng.
Thứ tư, tài sản bảo đảm trong các dự án BT thường bao gồm thế chấp quyền phát sinh từ hợp đồng BT và/hoặc quyền sử dụng đất từ các dự án đối ứng (nếu có) sau khi các dự án này có đủ hồ sơ pháp lý. Thế nhưng, các dự án đối ứng chỉ được cấp quyền sử dụng đất sau khi dự án BT được quyết toán toàn bộ hoặc trong một số trường hợp là quyết toán từng phần. Trong phạm vi của mình, NHTM có thể tự bảo vệ các quyền lợi bằng cách: một là, đề nghị cơ quan nhà nước đã ký kết hợp đồng BT có văn bản chấp thuận việc thế chấp quyền phát sinh từ hợp đồng BT; hai là, yêu cầu thế chấp bổ sung tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu triển khai dự án BT.
Thứ năm, đòn bẩy tài chính trong các dự án BT thường cao. Theo quy định, các dự án BT có giá trị đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% tổng giá trị đầu tư. Nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng là bất động sản thì vốn chủ sở hữu cho các dự án có quy mô dưới 20ha tối thiểu là 20%. Vì vậy, các NHTM nên yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ vốn tự có tham gia thêm trong trường hợp tổng vốn đầu tư tăng lên. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên quy định nâng tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư gắn liền với tăng mức sinh lời định mức cho nhà đầu tư. Có như vậy, chính quyền mới lựa chọn được nhà đầu tư đủ mạnh, đủ tiềm lực tham gia dự án BT, và từ đó việc tài trợ của các NHTM cũng sẽ chắc chắn hơn.
Thứ sáu, theoThông tư số 55/2016/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, lãi suất cho vay các dự án đầu tư PPP là khá thấp so với mức lãi suất cho vay các dự án trung dài hạn tại các NHTM. Theo quy định tại Thông tư trên, quy định lãi suất vay vốn đầu tư các dự án không được vượt quá 1,3 lần mức bình quân của lãi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 năm phát hành qua đấu thầu trong thời gian 03 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng.
Với quy định này, việc các NHTM áp dụng mức lãi suất cho các dự án BT có thể có trường hợp thấp hơn lãi suất đang cho vay đối với các dự án trung dài hạn khác, trong khi đó, nguồn vốn cho vay trung dài hạn hiện nay là không khuyến khích. Bởi vậy, Nhà nước cần sửa đổi quy định bất hợp lý này để bảo đảm hiệu quả chính đáng của chủ đầu tư dự án BT cũng như giúp cho việc tài trợ của các NHTM hợp lý hơn.
Th.S. THÁI HỒNG LĨNH
Kiểm toán Nhà nước
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017