Xác định vai trò xử lý gian lận và tham nhũng theo mô hình tổ chức kiểm toán
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 15:20, 05/12/2017
(BKTO) - Gian lận và tham nhũng đang trở thành vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Cũng vì thế mà các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) ngày càng được kỳ vọng nhiều hơn. Thông qua hành động phối hợp, các SAI sẽ giữ vai trò thúc đẩy tính trung thực, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn lực công cũng như thực thi quyền lực.
Là cơ quan độc lập về tài chính công, các SAI có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống gian lận và tham nhũng. Mặc dù không chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc ngăn ngừa, nhưng hoạt động kiểm toán có thể giúp giảm hành vi gian lận và tham nhũng một cách đáng kể.
Với vai trò này, các SAI tiếp cận và có sự ưu tiên khác nhau cho từng khía cạnh, tùy theo chức năng cụ thể của từng SAI. Sự khác biệt về cách tiếp cận và phạm vi đối phó với gian lận, tham nhũng trở nên rõ ràng hơn khi vai trò, trách nhiệm cũng như hệ thống kiểm toán của từng SAI được đưa ra xem xét.
Mỗi mô hình kiểm toán có một chức năng xử lý gian lận, tham nhũng khác nhau
Về cơ bản, cơ cấu tổ chức của các cơ quan kiểm toán có ba dạng khác nhau: mô hình kiểu Napoleon (Tòa thẩm kế), mô hình Westminster và hệ thống Ban chuyên trách (phổ biến ở các quốc gia châu Á).
Các SAI theo hệ thống Napoleon có thẩm quyền pháp lý và hành chính, có thể đưa ra đánh giá về việc tuân thủ pháp luật của chính phủ cũng như đảm bảo rằng các quỹ công được chi tiêu tốt. Đối với những SAI theo hệ thống kiểm toán này, khi có bằng chứng cho thấy gian lận hoặc tham nhũng đã xảy ra, các nhóm kiểm toán có thể được yêu cầu cung cấp thông tin tới một đơn vị điều tra trong SAI. Đơn vị điều tra này sẽ tiếp tục kiểm tra và/hoặc điều tra những sự kiện liên quan đến hành vi đang có dấu hiệu sai phạm đó.
Các SAI theo mô hình hệ thống kiểm toán Westminster không có thẩm quyền pháp lý mà chỉ có trách nhiệm kiểm toán tài chính công và chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan lập pháp hoặc Quốc hội. Theo mô hình này, khi tiến hành kiểm toán tài chính, nhiệm vụ của SAI chỉ là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán viên chịu trách nhiệm kiểm tra tình trạng tuân thủ luật pháp và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị.
Như một phần không thể tách rời của các cuộc kiểm toán thông thường (tức là kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động), các kiểm toán viên của SAI vẫn phải duy trì sự hoài nghi nghề nghiệp và đảm bảo rằng các kỹ thuật đã được sử dụng đủ để phát hiện tất cả những sai sót trọng yếu định lượng và bất thường cũng như những trường hợp gian lận, tham nhũng.
Mô hình hệ thống Ban chuyên trách vốn rất phổ biến ở các quốc gia châu Á. Mô hình này giống mô hình Westminster ở chỗ cũng có một đơn vị bao gồm các kiểm toán viên chuyên nghiệp và tồn tại độc lập với cơ quan hành pháp, tuy nhiên, nó vẫn dưới quyền cơ quan lập pháp. Cơ quan lập pháp sẽ bổ nhiệm Ban kiểm toán và Ban này sẽ có trách nhiệm đề ra kế hoạch kiểm toán. Ban cũng có thể sử dụng quyền hạn của cơ quan lập pháp để yêu cầu thông tin từ phía cơ quan hành pháp. Về mặt lý thuyết, hệ thống này tương đối độc lập với cơ quan lập pháp và do đó hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực.
Mặc dù việc kiểm tra gian lận và tham nhũng được thực hiện như là một phần của quá trình kiểm toán thông thường, tuy nhiên kiểm toán viên không đưa ra các quyết định pháp lý khi gian lận đã thực sự xảy ra. Nói chung, kiểm toán viên có thể đặt cờ đỏ làm dấu hiệu nhận biết các khu vực cần phải kiểm tra kỹ hơn để các cơ quan có thẩm quyền điều tra thêm.
Nếu các sai sót trọng yếu, điểm yếu trong thiết kế hoặc hoạt động của hệ thống kế toán và kiểm soát nội bộ cho thấy sự xem xét nghiêm túc về rủi ro hoặc khả năng gian lận, tham nhũng thì chúng sẽ được cho là những bất thường hoặc lạm dụng. Khả năng phát hiện gian lận của kiểm toán viên phụ thuộc vào yếu tố sau: sự khéo léo của thủ phạm, tần suất và mức độ thao tác, mức độ thông đồng liên quan, độ lớn tương đối của từng khoản mục thao tác, thâm niên của những người có liên quan.
Khi bằng chứng đã rõ ràng và đã đủ để đưa ra kết luận về một hành vi gian lận bị nghi ngờ, kiểm toán viên có thể báo cáo về hành vi này và giả định. Trường hợp nhóm kiểm toán có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy gian lận hoặc tham nhũng xảy ra, theo quy định, các SAI sẽ được yêu cầu truyền đạt thông tin tới các cơ quan điều tra của chính phủ hoặc cơ quan thực thi pháp luật khác.
Việc tạo ra và thúc đẩy một môi trường phòng chống gian lận và tham nhũng bao gồm các yếu tố chính sau: tăng cường hệ thống quản lý tài chính; đánh giá các hệ thống kiểm soát nội bộ để xác định và sửa điểm yếu; tăng cường nhận thức của công chúng đối với các phát hiện của SAI.
Vai trò của các SAI khi đối phó với gian lận và tham nhũng chỉ đạt hiệu quả nếu họ có đủ tính độc lập và có một hệ thống liêm chính quốc gia mạnh mẽ, được đại diện bởi ý chí chính trị của nhà điều hành để công khai, theo dõi và thực hiện các khuyến nghị và kết luận của các SAI. Trong trường hợp không có điều này, năng lực, hiệu lực và danh tiếng của các SAI bị hủy hoại.
INTOSAI, ASOSAI xác định vai trò chống gian lận, tham nhũng cho các SAI thành viên
Vai trò và trách nhiệm của SAI trong xử lý gian lận và tham nhũng đã được Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) xác lập một cách cụ thể. INTOSAI thừa nhận rằng, với tư cách là kiểm toán viên độc lập về tài chính công, các SAI có thể đóng góp một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống gian lận và tham nhũng.
Sự mong đợi này được thể hiện trong các chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI, với yêu cầu: “kiểm toán viên phải cảnh giác về các tình huống, kiểm soát các điểm yếu, thiếu sót trong lưu giữ hồ sơ, sai sót trong các giao dịch hay kết quả bất thường, có thể là dấu hiệu gian lận, chi tiêu không hợp lý, hoạt động không đúng thẩm quyền, lãng phí, không hiệu quả hoặc thiếu kiểm tra…” (ISSAI 200, Đoạn 2.2.41, Các chuẩn mực chung trong kiểm toán nhà nước).
Tại Hướng dẫn Giải quyết gian lận và tham nhũng năm 2003, ASOSAI đã ban hành 30 hướng dẫn kiểm toán cụ thể để kiểm toán viên của SAI có thể giải quyết các trường hợp gian lận và tham nhũng. Mỗi hướng dẫn đề cập đến một nguyên tắc/chuẩn mực kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI. Hướng dẫn cũng có một chương liên quan đến hiểu biết của kiểm toán viên thuộc các SAI thành viên về gian lận và tham nhũng.
Hướng dẫn của ASOSAI dự kiến sẽ được sử dụng làm mô hình cho mỗi SAI thành viên để xây dựng bộ hướng dẫn riêng của mình. Theo đó, mỗi SAI có thể sửa đổi trong các hướng dẫn áp dụng cho mỗi quốc gia. Với các kiểm toán viên, Hướng dẫn này sẽ có ích rất lớn khi họ giải quyết các vụ gian lận và tham nhũng.
NGỌC QUỲNH
(Nguồn: INTOSAI và World Bank)
(Nguồn: INTOSAI và World Bank)