Đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực cho KTNN và các đơn vị trong ngành
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:53, 05/01/2022
(BKTO) - Trong khuôn khổ Hội nghị Triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2022 của KTNN diễn ra sáng 05/01, tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến tham luận, thảo luận để làm rõ hơn những kết quả mà KTNN nói chung và các đơn vị trực thuộc KTNN nói riêng đã đạt được, cũng như trao đổi về giải pháp để thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2022. Báo Kiểm toán xin lược trích một số ý kiến tiêu biểu tại Hội nghị.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Ông Trần Quốc Phương |
Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, đất nước ta đã đạt được những thành công, hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống. Trong thành công đó có đóng góp hết sức quan trọng của KTNN - cơ quan giúp Quốc hội giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Với trình độ, bản lĩnh và trí tuệ, KTNN đã góp phần quan trọng giúp siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia; tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức cũng như của cả hệ thống trong thực thi công vụ.
Qua phối hợp công tác với KTNN, tôi nhận thấy trong năm 2021, KTNN đã có nhiều đóng góp nổi bật. Báo cáo của KTNN là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ có giải pháp hoàn chỉnh khung khổ pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh những tồn tại, bất cập và tăng cường quản lý chặt chẽ hơn. Riêng đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì báo cáo của KTNN đã giúp hoàn thiện các quy định liên quan đến KH&ĐT; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.
Kết quả hoạt động kiểm toán góp phần bảo đảm lợi ích cho Nhà nước thể hiện qua việc KTNN đã phát hiện các sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN, kịp thời kiến nghị thu hồi về cho NSNN 67.055 tỷ đồng.
Trong quá trình phối hợp công tác, Bộ KH&ĐT đã nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của KTNN, sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo KTNN và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị… Điều này để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng chúng tôi, xóa đi cảm giác “xa cách” mỗi khi được kiểm toán mà thay vào đó là thắt chặt hơn tình đồng chí khi làm việc vì mục tiêu đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc.
Năm 2022, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nhưng tôi tin rằng với quyết tâm và sự đoàn kết, đồng thuận cao, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua.
Để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao trong thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia, Bộ KH&ĐT mong muốn được đồng hành cùng KTNN để đẩy mạnh đổi mới, cải cách, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong tất cả các công việc được Đảng và Nhà nước giao. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị KTNN quan tâm phối hợp thực hiện 3 vấn đề.
Thứ nhất, thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; kịp thời cảnh báo các tổ chức, cá nhân để nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán. Phối hợp tham mưu xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực KH&ĐT và các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của đất nước.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt, hiệu quả hoạt động kiểm toán và hoạt động quản lý nhà nước về KH&ĐT, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư toàn xã hội, củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022, giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp với Bộ KH&ĐT trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021 được kéo dài sang năm 2022.
Ông Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV:
Ông Hoàng Phú Thọ |
Năm 2021, ngoài thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm được giao, KTNN chuyên ngành IV đã được Tổng Kiểm toán nhà nước giao chủ trì thực hiện 02 nhiệm vụ quan trọng theo yêu cầu của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.
Trong đó, đối với nhiệm vụ tổng hợp kết quả kiểm toán các dự án thành phần thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, đơn vị đã thành lập Tổ tổng hợp, tổ chức xây dựng đề cương báo cáo với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của chương trình giám sát, phối hợp với các đơn vị tập trung rà soát các báo cáo kiểm toán liên quan, bám sát đề cương để xây dựng báo cáo theo đúng yêu cầu của Quốc hội.
Báo cáo đã đánh giá sâu công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán; lựa chọn nhà thầu, chất lượng công trình và tiến độ thực hiện; việc quản lý, sử dụng vốn, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án, nêu rõ kết quả đạt được trong quá trình quản lý dự án theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế được phát hiện qua kiểm toán các dự án thành phần, việc khắc phục các tồn tại sau kiểm toán của các chủ đầu tư và cơ quan liên quan.
Đối với nhiệm vụ trình ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đây là lần đầu tiên KTNN thực hiện nhiệm vụ này, sau 16 năm nhiệm vụ này được quy định trong Luật KTNN.
Qua phối hợp với các đơn vị, nghiên cứu hồ sơ của Dự án, KTNN chuyên ngành IV đã đưa ra một số ý kiến quan trọng trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét báo cáo Quốc hội như: tổng mức đầu tư tính toán có sai sót đáng kể cần phải rà soát tính toán lại; chưa xác định rõ sự phù hợp với quy hoạch của Ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics….
Về phương án thiết kế sơ bộ cần phải nghiên cứu bổ sung, xác định cụ thể nhiều nội dung; việc giao cho các địa phương quản lý đầu tư các dự án thành phần là không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và năng lực, kinh nghiệm quản lý các dự án quan trọng quốc gia…
Ngoài ra, KTNN chuyên ngành IV còn đưa ra những ý kiến cảnh báo về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Dự án như công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đắp đất nền đường cung cấp cho các dự án thành phần.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học (KTNN):
Ông Nguyễn Văn Quang |
Năm 2021, trong điều kiện nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT) rất mỏng nhưng hoạt động CNTT của KTNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Một là, KTNN đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó “Phát triển CNTT và công nghệ cao” là một trong 7 hoạt động của Chiến lược. Trong năm, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã ban hành 05 văn bản quản lý về CNTT. Đặc biệt, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong toàn Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành “Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của KTNN”, xác định việc ứng dụng CNTT là một trong những tiêu chí đánh giá và bình xét thi đua hàng năm.
Hai là, hoàn thành việc xây dựng mới 06 phần mềm, đưa tổng số phần mềm lên 30, trong đó có 12 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, 12 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành nội bộ...
Năm 2021, KTNN đã đưa vào sử dụng Hệ thống báo cáo nhanh được tổng hợp từ các phần mềm nhằm hỗ trợ công tác tra cứu, tổng hợp thông tin nhanh của các cấp lãnh đạo, giúp người dùng tương tác với các phần mềm thông qua một ứng dụng tập trung.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, KTNN cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp làm việc trên môi trường mạng như tăng cường sử dụng chữ ký số; họp, đào tạo trực tuyến; tổ chức thành công Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) 15 qua hình thức trực tuyến.
Ba là, năm 2021 cũng là năm KTNN bắt đầu triển khai việc kết nối, trao đổi dữ liệu nhằm tăng cường trao đổi dữ liệu điện tử giữa KTNN và các đơn vị được kiểm toán.
Sau 5 tháng triển khai Cổng trao đổi thông tin giai đoạn 1, KTNN đã hoàn thành cấp tài khoản cho đơn vị được kiểm toán là các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị dự toán cấp I với hơn 1.100 đơn vị và hơn 2.200 tài khoản và đã tiếp nhận 1.300 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí của các đơn vị.
KTNN cũng đã triển khai chia sẻ, trao đổi dữ liệu với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là kết nối, trao đổi dữ liệu với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để phục vụ thí điểm cuộc kiểm toán từ xa trong năm 2022. Đây là tiền đề quan trọng để KTNN mở rộng việc kết nối, trao đổi dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán, hướng tới kiểm toán số.
Bốn là, thực hiện chuẩn hóa danh mục dùng chung việc phục vụ tích hợp, trao đổi dữ liệu, xử lý nghiệp vụ giữa các phần mềm trong nội bộ KTNN và giữa KTNN với các đơn vị bên ngoài. Năm 2021, KTNN đã chuẩn hóa 25 bộ danh mục dùng chung, trong đó Danh mục đơn vị được kiểm toán đã chuẩn hóa khoảng 10.000 đơn vị; Danh mục dự án đầu tư khoảng 2.000 dự án và trên 600 chương trình mục tiêu…
Năm là, tiếp tục thực hiện Số hóa hồ sơ kiểm toán và là năm đầu tiên triển khai thực hiện in/dán mã vạch vào hồ sơ kiểm toán, giúp việc quản lý, lưu trữ và tra cứu hồ sơ kiểm toán khoa học, thuận tiện hơn.
Sáu là, công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng được thực hiện tốt. Trong năm, KTNN đã ban hành Hồ sơ cấp độ an toàn thông tin; thực hiện đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, thường xuyên giám sát, rò quét, vá lỗ hổng bảo mật; có giải pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn sự phá hoại của virus, tấn công mạng từ bên ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX:
Ông Nguyễn Hữu Thành |
Có thể nói chất lượng sinh hoạt của các chi bộ trong toàn Đảng bộ KTNN khu vực IX những năm gần đây được nâng lên rõ rệt. Nhận thức của cấp ủy và đảng viên về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ đã có nhiều đổi mới, cơ bản khắc phục được tính hình thức, đơn điệu, đồng thời đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng.
Bên cạnh đó, phương pháp, cách thức tiến hành sinh hoạt chi bộ đã có nhiều đổi mới trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Đảng ủy KTNN, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung, chương trình sinh hoạt được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và được chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông báo trước cho đảng viên để có thời gian nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến, đây là một trong những yếu tố làm cho chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng lên.
Để nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng ủy KTNN khu vực IX đề xuất 6 giải pháp.
Một là, thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, nhất là đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ. Đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò của chi ủy, duy trì nghiêm nề nếp, chế độ sinh hoạt định kỳ.
Hai là, cải tiến việc ban hành kế hoạch chỉ đạo, nâng cao chất lượng Nghị quyết. Nghị quyết của chi bộ trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của cấp ủy cấp trên, đồng thời phải xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, gắn với nhiệm vụ của đơn vị và điều kiện thực tế để đi sâu, bàn kỹ có trọng tâm, trọng điểm. Chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vướng mắc, lo lắng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên, quần chúng để tập trung sinh hoạt, qua đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mác để ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ đảng viên của chi bộ.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Qua kiểm tra, tự phê bình và phê bình kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt, cũng như kịp thời xử lý nếu phát sinh sai phạm.
Bốn là, trong sinh hoạt chi bộ, ngoài nội dung quán triệt các Nghị quyết của cấp trên, cần gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với chi bộ để đảng viên cụ thể hóa thành việc làm thiết thực tại đơn vị.
Năm là, thường xuyên tuyên truyền chủ trương mới của Đảng, pháp luật Nhà nước mới ban hành gắn với thông tin thời sự để cung cấp kênh thông tin chính thống cho đảng viên.
Sáu là, tạo không khí sinh hoạt chi bộ dân chủ, đoàn kết để đảng viên được đóng góp, xây dựng, được tôn trọng, được cống hiến trí tuệ của mình góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh./.
T.THIỆN - H.THOAN - L.HÒA - N.LỘC (lược ghi)