Tổng Kiểm toán nhà nước: Cần những giải pháp thực sự cách mạng để bảo đảm tiến độ Dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Đối nội - Ngày đăng : 22:20, 06/01/2022

(BKTO) - Đồng tình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Dự án đường cao tốc Bắc- Nam), KTNN đã tham gia rất trách nhiệm ngay từ những khâu đầu tiên và đã chính thức có ý kiến trình Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự án này – Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết.


Chiều 06/01, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc- Nam và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
                
   

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đ. KHOA

   

Phát biểu thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia và lần đầu tiên KTNN chính thức có ý kiến với Quốc hội về dự án này. KTNN đã làm rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan, Văn phòng Chính phủ để có đầy đủ thông tin về Dự án và tham gia ngay từ những khâu đầu tiên. Trước khi khai mạc Kỳ họp bất thường của Quốc hội, KTNN đã có Tờ trình nêu rõ ý kiến về các vấn đề chi tiết liên quan đến dự án này. Theo đó, KTNN hoàn toàn đồng tình chủ trương đầu tư Dự án song cũng lưu ý các vấn đề về nguồn vốn, bố trí vốn cũng như về quy mô dự án…

Liên quan đến việc đầu tư 4 làn đường thì nên làm 4 làn liền hay 4 làn cách, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, nếu làm 4 làn liền thì sau này làm nữa sẽ rất phí, còn nếu làm 4 làn cách thì vốn đầu tư có thể tăng thêm 50 nghìn tỷ đồng nhưng sẽ hiệu quả về lâu dài, giữ được mặt bằng, không bị lấn chiếm, tái lấn chiếm.

Đặc biệt, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, để bảo đảm tính khả thi về tiến độ, đến năm 2025 là hoàn thành Dự án thì đòi hỏi phải có những giải pháp thực sự cách mạng từ khâu chuẩn bị cho đến khâu phê duyệt và tổ chức triển khai, trong đó có 2 vấn đề lớn.

Thứ nhất, về chủ đầu tư quản lý toàn bộ Dự án là trách nhiệm là của Bộ Giao thông vận tải song cũng linh hoạt tùy từng đoạn, tùy từng tỉnh thì có thể giao cho địa phương làm chủ đầu tư từng đoạn. Do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, khớp nối, liền mạch của cả Dự án.

Thứ hai, về các thủ tục liên quan trong đó có thủ tục chuyển đổi đất, đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật đó là chỉ thực hiện ủy quyền cho một cấp chứ không ủy quyền hai cấp, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị thay vì ủy quyền cho UBTVQH thì nên ủy quyền thẳng cho Thủ tướng Chính phủ quyết định vấn đề về chuyển đổi rừng, chuyển đổi đất nông nghiệp để đẩy nhanh tiến độ về mặt hành chính, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng lưu ý, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguyên vật liệu phục vụ cho dự án để tránh câu chuyện “bày mâm, bày bát mà không có củi đốt” như đã xảy ra thời gian qua. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về công tác này được chuẩn bị như thế nào, có cần xin ý kiến Quốc hội vấn đề gì không…

"Đây chính là hai điểm mấu chốt cần lưu ý trong quá trình thực hiện Dự án" - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Đ. KHOA