Gặp mặt lãnh đạo Kiểm toán nhà nước qua các thời kỳ nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:51, 07/01/2022

(BKTO) - Chiều 06/01, tại Hà Nội, trong không khí đón Xuân Nhâm Dần 2022, KTNN đã tổ chức buổi gặp mặt lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ.


                
   

Quang cảnh buổi gặp mặt lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước qua các thời kỳ.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi gặp mặt. Cùng dự có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh trình bày Báo cáo khái quát một số kết quả nổi bật năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của KTNN tại buổi gặp mặt. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tại buổi gặp mặt, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã trình bày Báo cáo khái quát một số kết quả nổi bật năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của KTNN.

Theo đó, năm 2021,bám sát định hướng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), kế hoạch kiểm toán (KHKT), Tổng Kiểm toán nhà nước đã tập trung chỉ đạo lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường.

Đồng thời, KTNN thực hiện thí điểm kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán NSĐP (cấp tỉnh). Quá trình xây dựng KHKT năm được thực hiện chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai với 181 cuộc kiểm toán.

Đặc biệt, để đảm bảo ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, KTNN đã giảm tối đa các đầu mối kiểm toán đối với toàn ngành y tế; không kiểm toán các đơn vị làm nhiệm vụ tuyến đầu như công an, quân đội tại các tỉnh đang có dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo KTNN lưu ý hoạt động kiểm toán khác phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng và từng kiểm toán viên (KTV); rà soát, điều chỉnh KHKT theo hướng cắt giảm thời gian và quy mô, lùi hoặc hoán đổi thời gian triển khai kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động.

Tổng hợp sơ bộ đến ngày 15/12/2021, toàn Ngành đã triển khai 189/192 đoàn kiểm toán, phát hành 154 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 130 văn bản pháp luật.

Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
                
   

Các nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước (từ trái sang phải): Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng, Hồ Đức Phớc tại buổi gặp mặt. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Bên cạnh đó, KTNN đã gửi UBTVQH, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 để Quốc hội xem xét, quyết định.

Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên KTNN có ý kiến với Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) và đã được UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao.

Trong năm, KTNN tích cực đóng góp nhiều ý kiến và cử lãnh đạo tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và UBTVQH.

Công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đã có nhiều đổi mới trong phương thức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, phòng ngừa rủi ro kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp... Ngoài ra, các mặt công tác khác cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2022, trước những đòi hỏi và yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, KTNN xác định chủ đề của năm là “Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ” với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để chủ động triển khai nhiệm vụ đảm bảo khoa học, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả.

Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán năm 2022 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhằm thích ứng với diễn biến dịch Covid-19.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ; xây dựng Trung tâm dữ liệu của KTNN theo mô hình quản lý tập trung, hướng tới việc số hóa dữ liệu của KTNN, kết nối liên thông với nguồn dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành và nguồn dữ liệu quốc gia…
                
   

Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương bày tỏ vui mừng trước sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của KTNN trong thời gian qua.Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của KTNN trong thời gian qua, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương và Nguyễn Hữu Vạn mong muốn thời gian tới, KTNN tiếp tục đoàn kết, thống nhất; đổi mới nội dung và phương pháp kiểm toán để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động; quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, KTV…
                
   

Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn khẳng định, các thế hệ cán bộ hưu trí sẽ luôn quan tâm và dõi theo từng bước trưởng thành của KTNN. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương và Nguyễn Hữu Vạn khẳng định, các thế hệ cán bộ hưu trí sẽ luôn quan tâm và dõi theo từng bước trưởng thành của KTNN, đồng thời gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng vào các thế hệ cán bộ, công chức đương nhiệm của Ngành sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
                
   

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh mong muốn thường xuyên, liên tục nhận được ý kiến chỉ đạo của nguyên lãnh đạo KTNN để có thể tiếp nối truyền thống đáng tự hào của Ngành. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Thay mặt lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh bày tỏ tri ân và lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo KTNN - những người đã đặt nền móng để xây dựng, làm nên truyền thống của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, thành quả mà KTNN đạt được trong năm 2021 là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết, nhất trí; tính kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm của toàn Ngành qua các thế hệ.

Năm 2022, Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu KTNN kiểm toán toàn bộ quyết toán ngân sách cấp tỉnh. KTNN sẽ kiểm toán tại 60/63 tỉnh.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội giao KTNN tham gia 2 Đoàn giám sát tối cao: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu KTNN kiểm toán toàn bộ các nguồn lực, chính sách chống Covid-19 để công khai trước đồng bào.

“Để hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề trên, chúng tôi mong muốn thường xuyên, liên tục nhận được ý kiến chỉ đạo của nguyên lãnh đạo KTNN để có thể tiếp nối truyền thống đáng tự hào của Ngành, đoàn kết, nhất trí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh./.

HỒNG NHUNG