Năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 40% tổng số vốn của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 15:51, 08/01/2022

(BKTO) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đề xuất quy mô tổng thể, phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, trong năm 2022 có thể giải ngân khoảng 40% tổng số vốn của gói hỗ trợ.


Chiều 07/01, cuối phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh của các DN, người dân, người lao động; nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực và hấp thu của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô phù hợp.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng và lộ trình thực hiện của từng chính sách như chính sách miễn, giảm thuế sẽ thực hiện ngay trong năm 2022 và có thể thực hiện ngay 100%. Hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng hay hạ tầng giao thông chiến lược cần phải có thời gian để hoàn tất công tác chuẩn bị nên cần có sự điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa để hỗ trợ đầu tư công trong Chương trình nhằm giải ngân hiệu quả nguồn lực bổ sung quan trọng này.

Để đảm bảo nguồn vốn triển khai, Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi từ NSNN, phấn đấu tăng thu thông qua lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thoái vốn, cổ phần hóa DN… sau đó mới đến huy động các nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ trong nước và vốn vay ODA, tài trợ nước ngoài.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đề xuất quy mô tổng thể, phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện giải ngân khoảng 40% tổng số vốn của Chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện giải ngân trong năm 2023.

Về phân bổ, quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, Bộ trưởng nêu rõ, trước hết, phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là đối với chính sách tài khóa. Ngoài ra, phải đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của Chương trình. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu của chính sách đã nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ nhu cầu tăng trưởng, phát triển bền vững, lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế. “Nhìn chung, chính sách đã được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận đây là chương trình có quy mô tương đối lớn, thời gian thực hiện ngắn hạn, khả năng hấp thụ và để đảm bảo đạt được hiệu quả cũng như mục tiêu đề ra của Chương trình là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất bảo đảm cho sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành sau khi các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến ba cơ chế, chính sách đặc thù, ngoài chính sách tài khóa và tiền tệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là những quy định mới, chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; là những chính sách đặc thù, rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, sử dụng hiệu quả nguồn lực bổ sung từ Chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Để nâng cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, xin cho, lợi ích nhóm... tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước trong và quá trình xây dựng chương trình, Chính phủ sẽ đề nghị KTNN và các cơ quan liên quan vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, nhất là chỉ định thầu, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý" - Bộ trưởng Dũng cho biết.
ĐĂNG KHOA