Năm 2021, dư nợ tín dụng của BIDV tăng 11,8% so với năm 2020

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 19:53, 08/01/2022

(BKTO) - Các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) năm 2021 đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.


                
   

Năm 2022, BIDV sẽ hoạt động kinh doanh với phương châm: “Kỷ cương - Hiệu quả - Chuyển đổi số”.- Ảnh: bidv.com.vn

   

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2022 của BIDV diễn ra vào ngày 07/01, năm 2021, Ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ, đưa ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi; tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đến ngày 31/12/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Cụ thể, tổng tài sản khối ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng; trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.

Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ DN nhỏ và vừa và FDI tương ứng tăng 15% và 21%.

Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu NHNN giao năm 2021 (<1,6%). Tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020.

Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng, tăng 10.365 tỷ đồng so với năm 2020, giữ vững vị trí đứng đầu trong các ngân hàng thương mại cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 81.065 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2020.

Lợi nhuận đạt kế hoạch năm 2021 NHNN giao, các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định, chỉ số định hạng tín nhiệm quốc tế được nâng cao.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước; đảm bảo quyền lợi cổ đông và đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Hoạt động các công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2021 ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của Khối công ty con năm 2021 đạt 1.094 tỷ đồng.

Năm 2022, BIDV sẽ hoạt động kinh doanh với phương châm “Kỷ cương - Hiệu quả - Chuyển đổi số”.

Để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu đề ra, BIDV sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong toàn hệ thống đảm bảo vận hành hoạt động kinh doanh an toàn, thông suốt; tăng trưởng tín dụng đúng định hướng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; tối đa hóa nguồn thu, quản trị chi phí hiệu quả, cải thiện hoạt động đầu tư và nâng cao năng lực tài chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số; cân đối nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Với kết quả đạt được năm 2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tin tưởng BIDV sẽ tiếp tục hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của BIDV trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới./.

         
Một số dấu ấn nổi bật của BIDV năm 2021: Giữ vững vai trò chủ lực trong thực thi chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và NHNN; chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, xã hội, cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; hoàn thành xây dựng và triển khai Chiến lược kinh doanh tổng thể.
   Tập trung xây dựng các Chiến lược cấu phần làm nền tảng, định hướng cho giai đoạn 5 năm 2021-2025; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại; nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động theo thông lệ quốc tế; được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận với nhiều giải thưởng.

   


THÀNH ĐỨC