87,37% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật
Chính trị - Ngày đăng : 21:52, 11/01/2022
(BKTO) – Chiều 11/01, với 87,37% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Luật sẽ có có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022.
Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện
Báo cáo trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, qua thảo luận, một số ý kiến không nhất trí bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư và đề nghị nghiên cứu kỹ để trình tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Toàn cảnh Quốc hội họp về nội dung biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo số 14/BC-CP của Chính phủ đã làm rõ yêu cầu thực tiễn cấp bách cần sớm bổ sung ngành, nghề nêu trên vào Luật Đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung ngành, nghề “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng” vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật này, tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, không trùng lặp, chồng chéo với ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, tránh tạo rào cản, vướng mắc trong thực tế và bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở liên quan đến chuyển đổi đất đai, ông Thanh cho biết có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc thận trọng việc bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì cho rằng nội dung này chưa được Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng, có thể dẫn đến làm thất thoát NSNN.
Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như Chính phủ trình để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng trước mắt chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở để làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lý do không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng; trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; tiến hành tổng kết để xem xét việc luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, đã chỉnh lý khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như trong dự thảo Luật.
Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải
Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, sau khi chỉnh lý thì sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.
Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
2a. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.”.
Đáng chú ý, Luật cũng bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 Điều 40 nội dung bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình tiếp thu. Ảnh: quochoi.vn |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, để góp phần bảo vệ môi trường và đón đầu xu thế chung của ngành công nghiệp ô tô, khi ngành ô tô điện chạy pin của Việt Nam và các quốc gia ASEAN có xuất phát điểm gần như tương tự nhau. Việc triển khai chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sớm hơn các nước trong khu vực sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các DN tại Việt Nam sản xuất xe ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hiện nay trong nước đã có DN đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin.
Theo đó, Điều 8 của Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 Mục I của Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, các đề xuất khác của Chính phủ về sửa đổi các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và Luật Thi hành án dân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã được Quốc hội thông qua.
Đ. KHOA