Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn thuộc huyện Kiến Xương và Thái Thụy (Thái Bình) theo hình thức BT và BOT: Kỳ I - Linh hoạt trong quản lý, triển khai Dự án…

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:05, 11/12/2017

(BKTO) - Trong điều kiện thiếu vốn, Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã kịp thời được chuyển đổi hình thức đầu tư, cắt giảm bớt hạng mục; tạm dừng vay vốn khi lãi suất tín dụng cao để giảm chi phí lãi vay… Những nỗ lực này của các cơ quan, đơn vị đã được KTNN ghi nhận qua kết quả kiểm toán.


Chuyển từ hợp đồng BTsang BT kết hợp BOT

Dự án trên được đầu tư nhằm góp phần hoàn thiện tuyến đường 39B và mạng lưới giao thông tỉnh Thái Bình theo quy hoạch được duyệt, giúp thông thương hàng hóa các huyện ven biển và cảng Diêm Điền, phục vụ xây dựng, vận hành Trung tâm điện lực Thái Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngày 14/01/2010, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 46/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Dự án có chiều dài tuyến 28,9 km với tổng mức đầu tư 2.072 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kế hoạch bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho Dự án đến hết năm 2016 còn thiếu 635 tỷ đồng (tổng mức được phê duyệt 1.437 tỷ đồng). Vì vậy, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2165/TTg-KTN ngày 30/10/2014, UBND tỉnh Thái Bình đã cắt giảm một số hạng mục của Dự án đang được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT sang thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT để nhà đầu tư thu phí hoàn vốn cho Dự án, giảm đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ và NSNN.

Theo đó, Dự án được tách ra thành: Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy được đầu tư theo hình thức BT (Dự án BT) và Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, huyện Thái Thụy theo hình thức BOT (Dự án BOT).

Cùng với việc tách ra thành 2 Dự án, một số hạng mục trên tuyến đường cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể, Dự án BT đã cắt giảm hạng mục điện chiếu sáng toàn tuyến, cắt giảm vỉa hè, cây xanh qua khu vực huyện Tiền Hải và điều chỉnh thiết kế, bổ sung khối lượng một số hạng mục; Dự án BOT với tổng chiều dài tuyến là 16,62 km, gồm phần còn lại chưa thi công của Dự án BT.

Việc điều chỉnh Dự án như trên dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án BT được điều chỉnh là 1.882 tỷ đồng và tổng mức đầu tư của Dự án BOT là 550 tỷ đồng (tăng 359,8 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu).

UBND tỉnh Thái Bình cũng đã có quyết định đồng ý nhà đầu tư Dự án là Công ty Cổ phần TASCO - đơn vị đề xuất Dự án - và Công ty Cổ phần TASCO Nam Thái là đại diện nhà đầu tư (DN Dự án).

Chậm tiến độ nhưng…giảm chi phí lãi vay

Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự án được lập phù hợp với Công văn số 252/TTg-KTN ngày 19/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đến năm 2020 của UBND tỉnh Thái Bình và các quyết định phê duyệt quy hoạch khác có liên quan. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt Dự án được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn được lựa chọn thực hiện việc lập, thẩm tra, thẩm định đáp ứng các điều kiện về năng lực. Hồ sơ Dự án cơ bản đầy đủ, phù hợp với mục tiêu đầu tư.

Cũng theo đánh giá của KTNN, thiết kế cơ sở của Dự án đã tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và khung tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch phát triển giao thông của địa phương. Tổng mức đầu tư được lập cơ bản phù hợp với quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình…

Tuy nhiên, khi đánh giá về mặt quản lý tiến độ Dự án, kết quả kiểm toán cho thấy, tiến độ của Dự án BT chậm 2 năm, 2 tháng so với quy định tại hợp đồng BT. Theo phân tích của KTNN, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do vốn trái phiếu chính phủ bố trí để thanh toán cho Dự án năm 2011 và 2012 đạt tỷ lệ thấp (Dự án được cấp 223,5 tỷ đồng, chỉ đạt 33,6% so với nhu cầu 644,5 tỷ đồng).

Mặt khác, vào thời điểm đó, lãi suất tín dụng tăng rất cao (năm 2011, 2012 lãi suất từ 21- 24%/năm). Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Bình - cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện Dự án - đã đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng sử dụng vốn vay để thực hiện các phần việc tiếp theo của Dự án, dẫn đến Dự án phải tạm dừng thi công từ tháng 01/2012 đến tháng 3/2013.

Theo đánh giá của KTNN, việc đàm phán với nhà đầu tư tạm dừng vay vốn trong điều kiện lãi suất tín dụng rất cao đã góp phần làm giảm chi phí lãi vay của Dự án. Số liệu kiểm toán cho thấy, tại thời điểm đó, nếu tiếp tục sử dụng vốn vay để thực hiện Dự án theo đúng tiến độ hợp đồng thì tổng tiền lãi vay trong thời gian xây dựng công trình sẽ phải trả là hơn 355 tỷ đồng. Kết quả thực tế, tính đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2016), lãi vay đã phải trả chỉ là 170,8 tỷ đồng.

(Kỳ sau đăng tiếp)
Đ.KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 7-12-2017