Thu phí không dừng: Mang lại nhiều lợi ích nhưng triển khai còn chậm

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:25, 11/12/2017

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có lộ trình áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhằm tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời kiểm soát được mức phí qua mỗi trạm. Tuy nhiên, sau nhiều lần “trễ hẹn”, đến nay việc triển khai hình thức thu phí này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.


Mang lại nhiều lợi ích

Dự án ETC giai đoạn 1 áp dụng với 27 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến, sử dụng thẻ E-Tag (thẻ định danh, được phát miễn phí sau khi nạp tiền tài khoản).

Đến nay, mới có 15/27 trạm thu phí nằm trong danh mục các trạm phải lắp đặt hệ thống ETC (được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2015) đi vào hoạt động. Còn lại hàng loạt dự án BOT hiện vẫn chủ yếu vận hành theo mô hình thu phí thủ công và từ lâu đã bộc lộ nhiều nhược điểm do không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ùn tắc giao thông, khó bảo đảm được tính minh bạch về tài chính và gây nguy cơ thất thoát.

Trong khi đó, việc áp dụng hình thức ETC được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích. Theo phân tích của các chuyên gia, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2 - 3 phút, tăng thời gian lưu thông 4 - 5% và tiêu tốn thêm 7 - 8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Nếu áp dụng hình thức thu phí ETC sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; lợi ích từ việc giảm thời gian tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm.

Theo tính toán, nếu tất cả các trạm thu phí ở nước ta áp dụng ETC thì sẽ tiết kiệm cho xã hội và NSNN khoảng 3.500 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ETC còn tăng tính minh bạch trong quản lý, giảm ô nhiễm môi trường, hao mòn phương tiện, giảm thanh toán bằng tiền mặt, cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước. Thực tế áp dụng công nghệ này tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy, các chủ phương tiện, trạm thu phí lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều được hưởng lợi từ hệ thống ETC.

Mặc dù đây là chủ trương mang lại nhiều lợi ích nhưng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), theo tiến độ của dự án, cơ quan này đã yêu cầu 27 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải đưa vào vận hành thương mại hệ thống ETC từ đầu tháng 10/2017. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên tiến độ lắp đặt phải lùi đến hết năm 2017.

Cuối năm 2019, thực hiện thu phí tự động tại tất cả các trạm BOT

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án ETC trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ ETC) thông tin, đến nay DN này đã ký hợp đồng được 25/27 trạm BOT, còn 2 trạm của nhà đầu tư tuyến Cần Thơ - Phụng Hiệp và Cam Thịnh (Khánh Hòa) chưa ký hợp đồng. Trong số 25 trạm đã ký hợp đồng, có 15 trạm vận hành thương mại, 10 trạm đang lắp đặt, dự kiến vận hành trong tháng 01/2018. Hiện VETC đã cung cấp và tiến hành dán thẻ E-tag cho 270.000 phương tiện giao thông.

Tổng cục ĐBVN cho biết, đây là giai đoạn dự án sắp cán đích. Hiện cơ quan này đang tích cực đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án. Do đó, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu VETC phối hợp với các đơn vị liên quan sớm có văn bản hướng dẫn chung. Rà soát lại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa nhà đầu tư BOT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị cung cấp dịch vụ ETC. Đây sẽ là cơ sở để sau này đôn đốc, xem xét xử lý trách nhiệm nếu đơn vị nào có sai sót.

Đối với các trạm triển khai chậm tiến độ, Tổng cục ĐBVN sẽ thành lập đoàn kiểm tra để đôn đốc và chốt thời gian hoàn thành cụ thể cho từng trạm. Đến hết năm 2017, tất cả 27 trạm BOT trên tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC, trạm nào không bảo đảm tiến độ, Tổng cục ĐBVN sẽ đề xuất Bộ GTVT kiên quyết dừng thu phí.

Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống ETC trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu VETC tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đúng theo hợp đồng BOO đã ký với Bộ GTVT, đồng thời nắm vững, làm chủ công nghệ đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả, chính xác.

Các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ GTVT cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ thực hiện triển khai hệ thống ETC đúng tiến độ và quy định của pháp luật, trong đó cần khuyến khích nhà cung cấp dịch vụ khác tương tự VETC cùng tham gia thực hiện dự án để tạo sự công khai, minh bạch trong thực hiện thu phí. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đảm bảo đến cuối năm 2018 sẽ triển khai hình thức ETC tại hai làn xe trung tâm và đến cuối năm 2019, sẽ áp dụng đối với tất cả các làn xe tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 7-12-2017