Đôn đốc công tác thanh tra, kiểm toán việc chi trả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Chính trị - Ngày đăng : 20:51, 13/01/2022

(BKTO) – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra yêu cầu này đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại Hội nghị triển khai người lao động, có công và xã hội năm 2022.


                
   

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành LĐ-TB&XH cần đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toánhoạt động giải ngân, chi trả hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng. Ảnh: molisa.gov.vn

   

Báo cáo tại Hội nghị triển khai người lao động, có công và xã hội năm 2022 cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động để kịp thời có phương án hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.

Việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm. Ước tính, số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 16,578 triệu người, chiếm trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.

Trong năm, ngành LĐ-TB&XH đã giải quyết trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 3,5 triệu đối tượng với tổng kinh phí ước tính trên 21 nghìn tỷ đồng…

Năm 2022, để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai, rủi ro; tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa lao động trình độ kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Toàn ngành cũng sẽ tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh đáp ứng với các cú sốc diện rộng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết thật tốt công tác xác minh hồ sơ, công nhận người có công; hỗ trợ, chăm sóc người có công, thân nhân người có công ngày một tốt hơn.

Trong công tác giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH phải là đầu mối tổng hợp, chủ trì việc phối kết hợp thật đồng bộ giữa các Bộ, ngành, nhất là cơ chế điều phối.

Công tác xuất khẩu lao động phải vừa hướng tới mục tiêu phát triển thị trường, vừa có chính sách, tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách chắc chắn.

Ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối quản lý theo hướng “tự chủ, xã hội hóa, thống nhất đầu mối quản lý” nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các địa phương cần thiết lập ngay mạng lưới bảo vệ trẻ em cấp xã...

Trong năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Ngành LĐ-TB&XH có thể đi trước một bước về chuyển đổi số vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và NSNN rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH phải liên tục đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động giải ngân, chi trả hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng, không để lợi dụng chính sách gây tiêu cực.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức và các địa phương chăm lo một cái tết an toàn, ấm cúng cho người dân, đặc biệt với các đối tượng người có công, đối tượng chính sách và những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19./.

THÀNH ĐỨC