Giá điện tăng vì kinh doanh điện bị lỗ
Đầu tư - Ngày đăng : 10:05, 11/12/2017
(BKTO) - Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa công bố giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh từ ngày 01/12/2017 với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm Thuế Giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Vấn đề đang được dư luận quan tâm là mức giá mới này được đưa ra dựa trên những cơ sở nào khi tổng thể tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang có lãi?
Giá thành sản xuất cao hơn giá bán hiện hành
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ cuối năm 2016, Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2017 tại EVN và một số đơn vị thành viên, trong đó có nội dung quan trọng là kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2016. Kết quả kiểm tra thực tế của Tổ công tác liên Bộ cho biết, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%). Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất, kinh doanh điện).
Giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 được Tổ công tác xác nhận là 1.665,29 đ/kWh. Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đồng/kWh; tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đồng/kWh; tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đồng/kWh; tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đồng/kWh.
Đồng thời, năm 2016, chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia cũng được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Nhưng giá bán điện bình quân tại các huyện, xã đảo này chỉ bằng khoảng 9,5 - 27,7% so với giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN. Do đó, khoản bù giá cho chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại các huyện đảo, xã đảo chưa nối lưới điện quốc gia trên cả nước là 142,91 tỷ đồng.
Tăng giá để giảm lỗkinh doanh và bù lỗ tỷ giá
Tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN vẫn lãi 2.658 tỷ đồng, chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực…
Tuy nhiên, trên thực tế, doanh thu bán điện năm 2016 của EVN là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân 1.661,57 đồng/kWh). Kết quả là hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 của EVN lỗ 593,46 tỷ đồng.
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 của EVN gồm chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn là 8.508,99 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN là 1.286,44 tỷ đồng.
Đề cập đến toàn bộ khoản lỗ tỷ giá đã được Deloitte kiểm toán, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, nếu đưa toàn bộ khoản lỗ tỷ giá này vào thì sức ép tăng giá điện sẽ rất lớn. Vì thế, đợt tăng giá điện lần này chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào giá thành mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho phép ngành điện phân bổ số lỗ tỷ giá của các năm trước dần từ nay tới 2020 tùy theo tình hình sản xuất từng năm.
Mức tăng giá điện lần này đã có sự tính toán kỹ lưỡng của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN về những tác động tới kinh tế vĩ mô, lạm phát và ảnh hưởng tới người dân. Tuy nhiên, sau 2 năm giá điện không tăng, việc điều chỉnh tăng giá lần này được dự tính sẽ tác động 0,07% chỉ số sản xuất và 0,08% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2017. Mức giá điện mới áp dụng cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 07-12-2017