Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:20, 19/01/2022
(BKTO) - Tại Hội thảo “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” do KTNN tổ chức sáng 19/01, các đại biểu đã có những ý kiến, tham luận, thảo luận tập trung vào vấn đề cơ chế tài chính và những khó khăn, vướng mắc trong sử dụng, thanh quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; cơ chế chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ DN về thuế và các khoản thu ngân sách trong phòng, chống dịch; kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch và những vấn đề đặt ra...
Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế: Khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ
Ông Trần Văn Thuấn |
Thời gian qua, Việt Nam nhận được khá nhiều nguồn tài trợ, viện trợ. Tuy nhiên, do nguồn hỗ trợ đa dạng cả về nhà tài trợ, viện trợ và chủng loại mặt hàng, nên mặc dù Bộ Y tế đã dành tới 8 kho để lưu giữ và bảo quản hàng hóa phòng, chống dịch nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc tiếp nhận gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do chưa có phần mềm quản lý kho nên việc tổng hợp và theo dõi số liệu tiếp nhận và xuất cấp mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 86/NQ-CP quy định không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản nhận viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và sau khi hết dịch xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản công. Vì vậy, căn cứ vào diễn biến dịch, Bộ Y tế đã thực hiện việc điều chuyển tài sản đã xuất cấp từ địa phương này sang địa phương khác để kịp thời phục vụ công tác chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Hoạt động này cũng sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn cho Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương do phải thực hiện thủ tục điều chuyển tài sản trong trường hợp vượt quá định mức.
Về theo dõi, hạch toán nguồn lực hỗ trợ, trong quá trình tiếp nhận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ, có một số đơn vị, tổ chức cá nhân hỗ trợ nguồn lực bằng hiện vật nhưng không có thông tin về giá trị hàng hóa tài trợ. Hiện tại, Bộ Y tế ghi nhận về số lượng tài trợ và đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính để hướng dẫn các đơn vị, địa phương hạch toán.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Tập trung vào một số nội dung kiểm toán trọng tâm
Bà Nguyễn Thị Phú Hà |
Để kết quả kiểm toán đạt được mục tiêu đề ra, KTNN cần xây dựng kế hoạch và tập trung kiểm toán các nội dung liên quan đến việc tham mưu xây dựng, ban hành, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các văn bản, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; việc huy động, tiếp nhận, phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bao gồm cả nguồn lực từ NSNN, nguồn tài trợ, viện trợ.
Cùng với đó là rà soát, tổng hợp nhu cầu, phân phối, quản lý, mua sắm sử dụng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; việc xây dựng và ban hành giá dịch vụ xét nghiệm nhanh, PCR, các dịch vụ khác có liên quan cũng như việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động này.
Đồng thời, KTNN cũng cần tập trung vào việc kiểm tra, giám sát và báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương; việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; việc tổ chức triển khai, kết quả, tình hình thực hiện các chính sách thuế và các chính sách tài chính, tiền tệ khác để tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi kinh tế…
Với quy mô, nội dung và phạm vi kiểm toán lớn như trên sẽ đặt ra nhiều áp lực và thách thức đối với KTNN. Trước hết là, dịch bệnh diễn biến bất ngờ và rất phức tạp, công tác phòng, chống dịch hết sức cấp bách, nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác các quy định pháp luật hiện hành và chưa có tiền lệ.
Do đó, việc kiểm toán đánh giá công tác nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống dịch cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, bảo đảm đánh giá khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, làm rõ hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách, cũng như làm rõ có việc cài cắm, trục lợi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và các ngành, lĩnh vực liên quan khi tham mưu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này hay không.
Ông Lê Văn Khảm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Nhiều vấn đề đặt ra trong sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19
Ông Lê Văn Khảm |
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 với các giải pháp mạnh mẽ nhưng linh hoạt, dựa trên các đánh giá khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Những kết quả trong phòng, chống dịch đã tạo cơ sở để thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo niềm tin xã hội, tâm thế và sức mạnh để ứng phó với những diễn biến mới của dịch bệnh. Kinh nghiệm phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tối đa tác động xấu của dịch bệnh đến đời sống xã hội là những bài học quý trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nói riêng và các sự cố thiên tai, dịch bệnh khác nói chung.
Trong quá trình sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch, yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời là ưu tiên hàng đầu, song cũng không xem nhẹ việc quản lý, sử dụng hợp lý, đúng quy định. Vì thế, Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã lưu ý việc thực hiện các giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí. Việc sử dụng không hợp lý, lãng phí hay tiêu cực cần được chú ý đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu rất lớn nhưng khó xác định số lượng cụ thể và rất cấp bách; nguồn cung khan hiếm, nhiều loại thiết bị phải nhập khẩu do sản xuất trong nước chưa đáp ứng, giá cả tăng cao, khó kiểm soát.
Thực tế cũng cho thấy, có thời điểm, cơ sở y tế có nơi ngại mua sắm vì thiếu thông tin, chưa nắm rõ quy định của pháp luật, sợ trách nhiệm nên chủ yếu sử dụng thiết bị được tài trợ, do Bộ Y tế cấp, hoặc chỉ mua các thiết bị đã đấu thầu từ trước. Nhưng cũng đã có cá nhân, có cơ sở có biểu hiện tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân và tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội.
Để thực hiện nghiêm quy định pháp luật, nâng cao và phát huy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh dựa trên việc sử dụng hợp lý các nguồn lực, nhất là nguồn tài chính công thì việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán là rất cần thiết. Đây cũng là nội dung được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thực hiện trong thời gian tới. Kết quả kiểm toán, kiểm tra, thanh tra còn giúp nhận diện và đề xuất khắc phục những bất cập và các khoảng trống chính sách, pháp luật hiện nay.
Ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Cần tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch
Ông Ngô Trung Thành |
Nhiều quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, khả thi, nhiều quy định có tính dự báo cao, góp phần tạo cơ sở pháp lý triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn có một số vấn đề phát sinh, còn tình trạng áp dụng các quy định chưa đồng bộ, thống nhất, cần sớm được giải quyết dứt điểm, kịp thời.
Trong đó, Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ, tăng cường tính chủ động, linh hoạt cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời áp dụng các biện pháp cấp bách, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, cần phải được đưa vào các luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch. Việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số biện pháp do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ, còn phải bổ sung; việc triển khai cơ chế, chính sách còn chậm.
Việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đôi khi còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương; áp dụng văn bản đôi khi còn chưa đúng với văn bản của cấp trên hoặc còn tình trạng quy định không đúng với văn bản của cấp trên gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện một số chính sách hiệu quả chưa cao; tỷ lệ giải ngân thấp do giai đoạn đầu áp dụng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn còn quá cao, quy trình, thủ tục còn nhiều, thiếu linh hoạt; thông tin hướng dẫn chưa kịp thời dẫn đến các cá nhân, tổ chức thụ hưởng chính sách khó tiếp cận chính sách, chưa phù hợp với nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.
Nhiều khó khăn đến nay không chỉ là khó khăn của cá nhân, tổ chức mà trở thành khó khăn chung của toàn ngành hay lĩnh vực. Nhiều chính sách được ban hành trong bối cảnh đại dịch phức tạp nên mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế, chưa có chính sách tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể có quy mô lớn, có tính chất phục hồi dài hạn hơn là giải cứu trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế: Doanh nghiệp quan tâm đến những quy định rõ ràng, minh bạch về tài chính phòng, chống dịch
Ông Nguyễn Văn Phụng |
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, hơn ai hết, cộng đồng DN Việt Nam nói chung luôn thấu hiểu những khó khăn của đất nước và họ luôn cảm thông, chia sẻ cùng Chính phủ trong điều hành. Tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của DN lúc này là các gói giải pháp không hẳn chỉ là tiền, không hẳn là chi ra từ NSNN mà là những quy định rõ ràng, minh bạch của Chính phủ về các nội dung công việc và nguồn lực tài chính khi DN thực hiện tuân thủ và chung vai cùng Chính phủ chống lại dịch bệnh.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị, một là, việc xử lý nguồn đối với các khoản đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, cộng đồng DN đã tích cực hỗ trợ, đóng góp ủng hộ cho công tác này… Thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, theo đó, DN được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi tài trợ cho các tổ chức với quy định về chứng từ, thủ tục đơn giản. Với quy định này, DN có lãi thì tiền thuế đóng góp cũng được giảm đi số tiền tương ứng với mức thuế suất (tính trên số thực chi).
Hai là, các khoản DN chi ra cho người lao động cũng như chi cho việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở DN… Cho dù nhiều DN có hiểu biết rằng các khoản thực chi ra, có hóa đơn, chứng từ thì đương nhiên sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN. Tuy nhiên, cộng đồng DN đều có ý kiến cần phải có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể để DN yên tâm thực hiện, tránh gặp khó khăn sau này. Vì thế, Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế có thể sớm ban hành văn bản này trước thời hạn DN thực hiện khai thuế năm 2021 (trước 30/03/2022).
Ba là, cùng với việc DN được tính vào chi phí tính thuế các khoản thực chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, những khoản chi trực tiếp hoặc gián tiếp cho cá nhân, các khoản chi bằng tiền hay hiện vật cũng cần phải có quy định rõ liệu cá nhân có phải tính thuế thu nhập cá nhân hay không? Đề nghị có hướng dẫn DN theo hướng không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Bốn là, trong trường hợp DN không may phát sinh lỗ nhiều năm thì ngoài việc DN được chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế TNDN (tối đa không quá 5 năm), đề nghị được xem xét hướng dẫn cho phân bổ chi phí phòng, chống dịch với thời hạn dài hơn 5 năm bởi hậu quả của dịch Covid-19 là rất lâu dài.
Năm là, các giải pháp thuế hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn cũng như cơ chế huy động đóng góp của DN hỗ trợ Quỹ vắc xin, cùng với các hoạt động thiện nguyện do các cơ quan nhà nước phát động đều là nguồn lực của đất nước, trực tiếp hoặc gián tiếp đều liên quan đến người dân. Vì vậy, hơn ai hết, các cơ quan như KTNN, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành, cơ quan công an, cơ quan thuế… cần thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một cách khách quan, toàn diện đối với các cơ quan, tổ chức có sử dụng nguồn lực này./.
T.THIỆN - N.LỘC - H.THOAN