Thay đổi công nghệ tiên tiến để xử lý chất thải rắn

Xã hội - Ngày đăng : 16:15, 11/12/2017

(BKTO) - Tình hình phát sinh và xử lý chất thải rắn (CTR) ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm trong nhiều năm qua, đặc biệt là các đô thị lớn. Thực trạng này đang đòi hỏi cần phải có những giải pháp lựa chọn thay đổi công nghệ xử lý khi các phương pháp cũ đã không còn phù hợp.


Báo động tình trạng quá tải rác

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - Chuyên đề “Môi trường đô thị” được công bố vào tháng 7/2017, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015.

Theo UBND TP. HCM, hiện bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh 8.700 tấn CTR sinh hoạt, 1.500-2.000 tấn CTR công nghiệp, trong đó có gần 400 tấn rác thải nguy hại. Theo dự báo, bình quân mỗi năm CTR sinh hoạt tăng khoảng 5%. Đến giai đoạn năm 2020-2030, dự báo lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố tăng khoảng 2.000-8.000 tấn/ngày so với hiện nay. Sự gia tăng không ngừng về số lượng rác thải đã đặt TP. HCM cũng như một số đô thị lớn ở nước ta tới ngưỡng... quá tải rác, nếu không thay đổi công nghệ xử lý.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Mấu chốt của việc xử lý CTR là công nghệ. Nhiều địa phương vẫn xử lý CTR sinh hoạt bằng cách chôn lấp hoặc đốt rác thông thường trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường hiện nay chưa thực sự hiệu quả bởi các đơn vị, DN tham gia còn ít và gặp một số rào cản về đầu tư.

Theo các chuyên gia, công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phổ biến hiện nay là chôn lấp, với ưu điểm là có chi phí đầu tư và vận hành thấp. Tuy nhiên, phương pháp này lại yêu cầu diện tích đất lớn, thời gian xử lý lâu, tiềm tàng nhiều tác động môi trường nhất và khó kiểm soát. PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường - cho biết: Hiện, lượng CTR nói chung và CTR nguy hại phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về loại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phương pháp chủ yếu để xử lý hiện nay vẫn là chôn lấp, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất lẫn rác, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí ở khu vực bãi rác. Chưa kể, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều nước rác nên việc tìm kiếm công nghệ xử lý triệt để, phù hợp rất khó khăn.

Cần áp dụng công nghệ tiên tiến

Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý CTR phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, tận thu năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. PGS.TS Phùng Chí Sỹ đề xuất: Cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Kinh nghiệm ở các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, việc áp dụng rộng rãi công nghệ đốt chất thải phát điện có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác.

Đơn cử, có thể giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải; tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi so với biện pháp chôn lấp; giảm phát thải khí nhà kính…

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng nhấn mạnh: Đốt chất thải để phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam, do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa với tốc độ cao, khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ đốt CTR phát điện quá cao nên để được triển khai, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ, gồm: phí xử lý chất thải rắn; giá điện; các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí…, nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện.

Nhận định về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu: Cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư, có cơ chế, chính sách thích hợp để khuyến khích khối tư nhân tham gia vào công tác xử lý CTR, đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân.

Bên cạnh đó, không cứng nhắc trong áp dụng công nghệ xử lý CTR, các chỉ tiêu cần phù hợp với từng vùng miền, từng đơn vị cụ thể. Ví dụ, khu vực nông thôn, miền núi sẽ khác với đô thị, mỗi vùng cũng khác nhau nên cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn mỗi nơi để có các giải pháp xử lý phù hợp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: Phải coi rác thải là một nguồn tài nguyên cần được khai thác, tái chế và thu hồi năng lượng bằng những công nghệ mới và có hiệu quả.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 07-12-2017