Ngành tài chính các địa phương chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực chống dịch

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 23:05, 19/01/2022

(BKTO) - Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia đến từ các cơ quan của Quốc hội, nhà quản lý của các Bộ, ngành thuộc Chính phủ, tại Hội thảo “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” do KTNN tổ chức sáng 19/01, lãnh đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố đã có tham luận, thảo luận làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch trên địa bàn.


                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

   

Ông Nguyễn Văn Phụng - Giám đốc Sở Tài chính TP. Đà Nẵng

Mặc dù đã có các quy định về thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 nhưng qua thực tế triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn vừa qua vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.

Một số nội dung chi theo quy định của Trung ương chưa cụ thể về đối tượng, mức chi, nguồn kinh phí thực hiện nên khó khăn trong việc hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc. Một số chế độ, chính sách hỗ trợ cho người lao động tham gia công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ tiền ăn cho người cách ly y tế chậm được ban hành so với thời gian triển khai thực hiện do tính cấp bách của phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
                
   

Ông Nguyễn Văn Phụng. Ảnh:taichinh.danang.gov.vn

   

Đối với việc sử dụng nguồn lực để hỗ trợ cho người dân cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhất là việc hỗ trợ trong thời gian toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp, theo đó Thành phố đã ban hành các chỉ thị và quyết định chỉ đạo áp dụng thực hiện một số biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, DN trên địa bàn Thành phố nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ của các đơn vị giảm lớn dẫn đến không đảm bảo đủ nguồn chi trả lương cho người lao động.

Nhằm hỗ trợ cho các đơn vị gặp khó khăn trên, UBND TP. Đà Nẵng đã xin ý kiến của Bộ Tài chính cho phép sử dụng các nguồn tài chính gồm: nguồn thu sự nghiệp được để lại chi theo quy định; quỹ khen thưởng; quỹ phúc lợi; nguồn kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng chuyển sang năm sau để thực hiện và đã được trả lời phải báo cáo xin ý kiến của HĐND Thành phố. Như vậy, Thành phố phải chờ ý kiến thống nhất của HĐND mới được thực hiện là một vướng mắc, khó khăn của địa phương, trong khi các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên phần lớn thuộc các cơ sở y tế nên khó giữ chân được đội ngũ y bác sĩ giỏi, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Liên quan đến công tác mua sắm, trước yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, các đơn vị phải thực hiện nhanh chóng các thủ tục mua sắm. Tuy nhiên các thông tin về giá mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất vật tư y tế cập nhật còn hạn chế nên khó khăn trong xác định giá dự toán phù hợp với thị trường. Giá trúng thầu tham khảo một số loại vật tư y tế, hóa chất, trong đó có xét nghiệm PCR được đăng tải tại Cổng công khai kết quả đấu thầu tại mỗi thời điểm và giữa các địa phương có biên độ dao động của cùng một mặt hàng (cùng nước sản xuất, cùng hãng sản xuất), gây khó khăn trong công tác xây dựng giá dự toán của gói thầu.

Trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, giá thị trường dao động theo từng thời điểm, do tính cấp bách trong việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên các đơn vị không mời cơ quan thẩm định giá thực hiện chứng thư thẩm định giá mà tự thực hiện khảo sát báo giá của 3 đơn vị cung cấp trên thị trường để xây dựng giá kế hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội
                
   

Ông Nguyễn Xuân Lưu. Ảnh: N.LỘC

   

Khi dịch bệnh bùng phát, TP. Hà Nội đã kịp thời ban hành các chính sách và cân đối, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng nguồn lực ngân sách để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội năm 2021 là 16.292,7 tỷ đồng, Thành phố đã phân bổ ngân sách cho công tác phòng, chống dịch theo quy định là 2.129,5 tỷ đồng; số còn lại là 14.163,2 tỷ đồng.

Cùng với các nguồn lực từ NSNN, Mặt trận Tổ quốc Thành phố và UBND Thành phố đã tổ chức các cuộc vận động các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tham gia ủng hộ, tài trợ kinh phí cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, phục vụ công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19 với số tiền huy động được hơn 1.055,3 tỷ đồng.

Để đảm bảo kịp thời thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo quy định, Thành phố đã thực hiện tạm cấp ngân sách cho các quận, huyện trên cơ sở dự kiến nhu cầu kinh phí. Đến nay, Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền là 1.786 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thành phố cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định sôa 482/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/03/2021 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19, nguồn lực để các địa phương thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương. Theo quy định tại mục I Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, nguồn lực để các địa phương hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bao gồm 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương.

Hiện nay, TP. Hà Nội đang ưu tiên sử dụng nguồn lực ngân sách để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Thành phố vẫn phát sinh các nhiệm vụ cấp bách và phải sử dụng dự phòng ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 10 Luật NSNN. Do đó, cần có sự hướng dẫn cụ thể: số 50% dự phòng ngân sách địa phương được sử dụng để thực hiện 2 nhiệm vụ nêu trên hay dành 50% dự phòng ngân sách địa phương cho từng nhiệm vụ nêu trên.

Đối với nguồn huy động xã hội hóa, theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, số đã chi hỗ trợ bằng hiện vật trị giá 545,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, theo dõi sử dụng gặp khó khăn trong việc định giá hiện vật do các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh
                
   

Bà Phạm Thị Hồng Hà. Ảnh:ttbc-hcm.gov.vn

   

Trong bối cảnh phương án phòng, chống dịch phải thay đổi linh hoạt theo mức độ dịch bệnh, đối tượng hỗ trợ thay đổi, cần phải ban hành thêm các chính sách hỗ trợ. Theo quy định, việc ban hành các chính sách phải thông qua HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố. Các Sở, ngành Thành phố đã chủ động đề xuất, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành các chính sách chi, hỗ trợ đặc thù của Thành phố nhưng nhìn chung vẫn có độ trễ nhất định.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng, đối tượng hỗ trợ và kinh phí phòng, chống dịch không ngừng gia tăng. Trong khi đó, một số nguồn chi hạn chế nội dung chi (chi từ số dư nguồn cải cách tiền lương chỉ được chi thực hiện các chính sách an sinh mà không chi cho phòng, chống dịch), tỷ lệ chi bị khống chế (quỹ dự trữ tài chính chỉ chi tối đa 70% số dư đầu năm, nguồn dự phòng tối đa 50% cho chống dịch, tối đa 50% cho hỗ trợ).

Vì vậy, việc bổ sung chính sách chi, gia tăng đối tượng chi ngoài dự kiến tạo áp lực lớn cho ngành tài chính Thành phố trong việc cân đối, bố trí sử dụng nguồn phù hợp với nội dung chi phát sinh. Sở Tài chính và Sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức, quận, huyện đã nỗ lực phối hợp, nắm bắt kịp thời các chính sách chi (kể cả chính sách của Trung ương lẫn địa phương) và nhu cầu chi dự kiến phát sinh để tham mưu UBND Thành phố bố trí, sử dụng nguồn theo đúng quy định.

Công tác thống kê, báo cáo tình hình tiếp nhận, quản lý và phân phối hàng hóa tại các kho do cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức tiếp nhận, lưu kho đôi lúc chưa được cập nhật kịp thời; việc thống kê, lập chứng từ, sổ sách theo dõi hàng hóa đôi lúc còn lúng túng do nhiều yếu tố khách quan như nhân sự mỏng và cán bộ quản lý kho chưa qua các lớp đào tạo, tập huấn; áp lực giữa khối lượng công việc và thời gian gấp rút; việc ước giá trị hàng hóa ở một số mặt hàng còn gặp nhiều khó khăn.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra làm phát sinh nhiều nhiệm vụ chi chưa có quy định, chưa có tiền lệ nhưng lại là những khoản chi cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an sinh cho người dân trên địa bàn. Trước áp lực đó, ngành tài chính Thành phố phải phối hợp với các cấp, ngành xây dựng, đề xuất nhiều chính sách, áp dụng nhiều phương thức chi để có thể tạo thuận lợi và triển khai nhanh nhất các chủ trương, chính sách đã được ban hành; trong quá trình thực hiện không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc.

Chúng tôi hy vọng thông qua Cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN sẽ rà soát, đánh giá lại thông tin, số liệu của các cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập. Qua đó, góp phần đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu quả trong sử dụng ngân sách; từng bước nâng cao chất lượng giám sát, quản lý và điều hành ngân sách ngày càng chặt chẽ và đúng quy định.
D.THIỆN - H.THOAN - N.LỘC