Malaysia: Sai phạm, lãng phí tại hàng loạt dự án

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 16:45, 11/12/2017

(BKTO) - Ngày 27/11 vừa qua, KTNN Malaysia (NAD) đã đệ trình Báo cáo kiểm toán kỳ 2 cho năm tài khoá 2016 lên Quốc hội nước này, trong đó đưa ra 240 kiến nghị nhằm điều chỉnh và cải thiện những yếu kém trong khu vực công.


Kiểm toán nhiều lĩnh vực khác nhau

Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, TS. Madinah Mohamad cho biết, trong tổng số các kiến nghị trên, có 74 kiến nghị kiểm toán liên quan đến hoạt động của các Bộ, ngành liên bang và các cơ quan pháp quyền liên bang; 36 kiến nghị liên quan đến công tác quản lý của các cơ quan thuộc Chính phủ liên bang và 130 kiến nghị liên quan đến việc quản lý hoạt động của các DNNN.

TS. Madinah Mohamad thông tin thêm, trong cuộc kiểm toán kỳ 2 năm 2016, có 19 cuộc kiểm toán hoạt động và 8 cuộc kiểm toán công tác quản lý tại các DN thuộc Chính phủ đã được thực hiện. Ở cấp tiểu bang, có 25 cuộc kiểm toán hoạt động và 11 cuộc kiểm toán các DN thuộc chính quyền tiểu bang đã được tiến hành.

Cuộc kiểm toán lần này của KTNN Malaysia được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công tác quản lý, xây dựng, bảo trì, nâng cấp, mua sắm tại các chương trình, dự án nhà nước và công tác quản trị DN. Bản Báo cáo kiểm toán cũng bao gồm việc kiểm tra các Báo cáo tài chính của các cơ quan liên bang, các quỹ hợp nhất của liên bang, các tài khoản tín thác, các Báo cáo tài chính của Chính phủ và hoạt động tài chính của các cơ quan trong năm tài khoá 2016.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Madinah Mohamad, trong năm 2017, KTNN Malaysia đã kiểm toán 145 Báo cáo tài chính cho năm tài khoá 2016, liên quan đến 133 cơ quan liên bang, 10 Quỹ hợp nhất liên bang, tài khoản tín thác liên bang và hai cơ quan khác.

Lãng phí hàng tỷ Ringgit

Qua kiểm toán, NAD đã phát hiện ra nhiều sai phạm, lãng phí tại các chương trình, dự án của Chính phủ. Tại Dự án phân hữu cơ của Công ty UTM Holdings Sdn Bhd (UTM), theo Báo cáo kiểm toán, UTM đã tiếp nhận khoản viện trợ 25 triệu Ringgit (6,2 triệu USD) từ Bộ Giáo dục Malaysia trong năm 2015 để phân bổ cho các phòng thí nghiệm về xử lý nước và Viện Công nghệ quốc tế Malaysia - Nhật Bản; song cho đến nay, việc xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu hệ thống xử lý nước và sinh khối chất thải (SCW) vẫn chưa được thực hiện, gây lãng phí 20,6 triệu Ringgit (5 triệu USD). Theo đúng dự kiến, Dự án SCW phải được hoàn thành trong vòng 16 tháng, tức là trước ngày 14/11/2016 và việc chậm trễ trong hoàn thành dự án đã dẫn đến những thiết bị SCW tiếp nhận từ nhà thầu cung cấp đã không được sử dụng.

Hay, Dự án cấp điện tại vùng Sabah - một dự án của Bộ Phát triển Nông thôn và Phát triển vùng Malaysia - đã không đạt được các mục tiêu đề ra trong việc cung cấp điện năng cho các hộ dân vùng sâu vùng xa ở Sabah. Theo Báo cáo kiểm toán, có 8 trong số 24 đường dây tải điện thuộc Dự án đã không đáp ứng hiệu suất hoạt động, có 33,8% trên tổng số 6.891 hộ gia đình thuộc đối tượng cấp điện vẫn chưa có điện cho sinh hoạt; trong khi đó, khoảng hơn 60 căn nhà trống không có người ở lại được đấu nối điện. Những phát hiện này cho thấy yếu kém về công tác quản lý và năng lực của đội ngũ nhân sự tại Bộ này.

Còn tại Dự án cảng Bintulu, hàng loạt sai phạm đã được NAD chỉ ra liên quan đến công tác quản lý mua sắm thiết bị của Công ty vận hành cảng Bintulu (BPA) khi phê chuẩn Dự án có giá trị hơn 1 nghìn tỷ Ringgit (250 triệu USD) mà không tiến hành nghiên cứu toàn diện. NAD đã chỉ trích nhiều yếu kém trong quá trình đàm phán, đấu thầu, chỉ định đơn vị tư vấn và nhà thầu cũng như những thiếu sót trong các điều khoản của hợp đồng.

Nhiều dấu hiệu cho thấy gian lận khi lập các biên bản cuộc họp thầu và các nghị quyết liên quan nhằm gây ảnh hưởng tới Bộ Giao thông trong việc phê chuẩn chỉ định Công ty Muhibbah Viccana làm nhà thầu. Báo cáo kiểm toán khuyến nghị, nhằm giải quyết những yếu kém, Bộ Giao thông cần chỉ đạo Ban quản lý của BPA tiến hành nghiên cứu chi tiết và báo cáo lên các cơ quan quản lý liên quan nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng cần yêu cầu BPA tiến hành đánh giá tính tuân thủ và cơ chế giám sát nhằm tránh những sai phạm trong quản lý mua sắm, đấu thầu nội bộ.
NGỌC QUỲNH
(Nguồn: The Malaysian Insightvà National Audit Department)