Thích ứng linh hoạt, sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn
Chính trị - Ngày đăng : 12:20, 21/01/2022
(BKTO) - Năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Hàng triệu học sinh phải dừng đến trường, kế hoạch năm học bị đứt đoạn… Đó là tác động trông thấy, hệ lụy cho ngành giáo dục được dự báo là còn dai dẳng, kéo dài. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã từng bước thích ứng để tổ chức dạy và học trực tuyến với tinh thần “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, cùng cả nước khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, việc xem xét, có phương án tổ chức cho học sinh đến trường là yêu cầu bức thiết được đặt ra ngay lúc này, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.
Kịp thời chuyển trạng thái, duy trì việc dạy và học
Dịch bệnh Covid-19 đã mang lại những nỗi đau, mất mát, thiếu hụt to lớn không thể khỏa lấp. Đối với ngành giáo dục, dịch bệnh đã kéo lùi những nỗ lực đổi mới của nền giáo dục quốc dân, từ các bậc học, cấp học cho đến từng học sinh, sinh viên. Nói như GS,TSKH. Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Những mất mát này không dễ gì để hàn gắn và hệ lụy này không chỉ để lại cho ngành giáo dục, mà còn các ngành, lĩnh vực khác, vì giáo dục là gốc rễ, cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành khác”.
Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã kịp thời chuyển mình, chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch Covid-19.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương.
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 của Bộ GD&ĐT, PGS,TS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt; kịp thời điều chỉnh, giảm tải nội dung chương trình dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh cho phù hợp với thực tế dạy và học trên tinh thần “không gây áp lực cho người học, song không hạ chuẩn chất lượng giáo dục”.
Việc dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất và tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021 công tác triển khai nhiệm vụ vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao; các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động; việc tổ chức dạy, học trực tuyến gây ảnh hưởng không tốt đến học sinh. Tại Hội nghị toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 19/01, các đại biểu đánh giá, những rủi ro khi học sinh nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với khi các em được đi học.
Dẫn chứng về sức ảnh hưởng nặng nề của việc học sinh học trực tuyến, PGS,TS. Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần tăng vọt, chiếm 30%, theo thống kê gần đây của Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia. Kết quả từ một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy: 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.
Nhanh chóng có biện pháp để mở cửa trường học
Từ thực tế triển khai dạy học trực tiếp thời gian qua cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học là rất thấp, các chuyên gia khuyến nghị nên nhanh chóng có biện pháp mở cửa trường học một cách an toàn.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, hiện nay số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp có 130 trường hợp nhiễm là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn diễn ra bình thường. Theo Kế hoạch, Thành phố sẽ đánh giá và cho học sinh mầm non đi học trở lại toàn Thành phố từ tháng 02/2022.
Cả nước hiện mới có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn địa bàn. Ảnh: N.LỘC |
Nhìn nhận thực trạng cả nước mới có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, cả nước thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tổ chức dạy học hiện nay cần phải thay đổi sớm nhất có thể. Tuy nhiên, để chủ trương cho học sinh trở lại trường học được thực hiện hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động giáo dục, vừa bảo đảm các nội dung chuyên môn, đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch; xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học tập.
Mong sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn cũng là tinh thần trong các chỉ đạo xuyên suốt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thời gian vừa qua. Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học.
“Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng, chống dịch, điều kiện y tế dự phòng được tăng cường; chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học” - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ đang tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị các kế hoạch, điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho học sinh đến trường (theo lộ trình) ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trong Thông báo số 18/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng lộ trình cụ thể để mở cửa các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định; hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể. |
Đ. KHOA