Điều chỉnh chiến lược đầu tư để tạo động lực cho tăng trưởng trong dài hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 12:36, 21/01/2022

(BKTO) - Các giám đốc điều hành (CEO) đang thiết lập lại cách thức đánh giá rủi ro và điều chỉnh chiến lược đầu tư để tạo ra tăng trưởng cho DN trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy chiến lược tăng trưởng trong dài hạn.




Tiếp tục đối phó với hậu quả của đại dịch

Theo khảo sát Giám đốc điều hành năm 2022 của EY, nhiều CEO đang ứng phó với tác động của đại dịch, đây là kết quả không ngạc nhiên khi có tới 86% DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong bối cảnh buộc phải thay đổi, các DN đang định hình lại để tăng trưởng và dự đoán các cơ hội. Những lựa chọn sớm và táo bạo về chuyển đổi danh mục đầu tư, đặc biệt là mua lại và thoái vốn đang tỏ ra có ý nghĩa quyết định sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, những quyết định này cũng có mặt trái tiềm ẩn. Trong đó, căng thẳng địa chính trị, can thiệp thị trường và tình trạng khẩn cấp về khí hậu là những mối quan tâm hàng đầu của CEO. Căng thẳng địa chính trị xoay quanh sự cạnh tranh, hợp tác giữa Mỹ, EU và Trung Quốc đang làm thay đổi danh mục đầu tư, buộc các DN phải suy nghĩ lại về các hoạt động xuyên biên giới.

Tất nhiên, đây không phải là dấu chấm hết của toàn cầu hóa. Trong số những CEO điều chỉnh kế hoạch đầu tư, 65% cho biết họ vẫn tăng cường đầu tư xuyên biên giới. Đồng thời, nhiều CEO đang cấu hình lại chuỗi cung ứng để giảm chi phí và giảm thiểu sự không chắc chắn. Đại dịch đã chứng minh an ninh nguồn cung ứng có thể là một lợi thế cạnh tranh lớn đối với DN.

Bên cạnh đó, vấn đề quốc tế trước mắt và ngày càng được quan tâm nhiều nhất là lạm phát, nó đã quay trở lại theo cách mà nhiều CEO ngày nay chưa từng trải qua. Trong hai năm qua, việc ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch đã tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chi phí lao động, nguyên vật liệu và năng lượng tăng phi mã. Tương tự, giá cước vận tải đã tăng hơn 400% so với mức năm 2019. Thêm vào đó, chi phí lưu kho và doanh thu giảm do chậm trễ càng làm tăng chi phí kinh doanh trên diện rộng.

Công nghệ là chìa khóa để thu hút khách hàng và duy trì lợi nhuận

Nhiều CEO nhận thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư ngay từ bây giờ để đảm bảo cơ hội trong tương lai. Hầu hết các nhà đầu tư sẵn sàng ủng hộ những tham vọng tăng trưởng dài hạn và các CEO hiểu rằng một câu chuyện thuyết phục là rất quan trọng để đảm bảo sự ủng hộ của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn 21% nhà đầu tư không sẵn sàng ủng hộ chiến lược tăng trưởng dài hạn hoặc tập trung vào thu nhập ngắn hạn, điều này có thể là rào cản đối với việc hoạch định chiến lược dài hạn. Vì vậy, các CEO cần coi sự tham gia của nhà đầu tư như một phần cơ bản của các chiến lược tạo giá trị dài hạn, từ đó tập trung truyền tải thông điệp về cơ hội phát triển và đổi mới.


Cũng theo khảo sát của EY, 47% CEO coi công nghệ là chìa khóa để thu hút khách hàng và duy trì/cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Với chi phí lao động tăng cao, tự động hóa được ưu tiên như một giải pháp. Các khoản đầu tư vào công nghệ có thể mở ra những con đường mới để tăng trưởng và cải thiện khả năng tương tác với khách hàng khi phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.

Các chuyên gia của EY nhấn mạnh rằng, trong năm 2022, DN cần khai thác triệt để kho báu dữ liệu của riêng mình để dự đoán các hành vi đang thay đổi của khách hàng và xác định chiến lược trong tương lai. Đồng thời, các CEO cần làm mới các danh mục của mình để thu hút nhà đầu tư và các bên liên quan.

M&A vẫn là yếu tố thúc đẩy chiến lược tăng trưởng dài hạn


Năm 2021, M&A là sự lựa chọn ưu tiên của các CEO với tham vọng đổi mới, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, thu hút nhân tài và giảm rủi ro về quản trị, môi trường và xã hội (ESG). Với 5 tỷ USD giao dịch được công bố, 2021 được xem là năm kỷ lục M&A.

Khảo sát của EY cho thấy, năm 2022 sẽ khó có thể xô đổ kỷ lục M&A của năm 2021, dù rằng nó vẫn là động lực tăng trưởng cơ bản trong bộ công cụ chiến lược của các CEO. Theo đó, 59% CEO kỳ vọng công ty của họ sẽ theo đuổi các thương vụ mua lại trong 12 tháng tới.


Các CEO vẫn coi M&A là một yếu tố quan trọng thúc đẩy các chiến lược tăng trưởng dài hạn để có được năng lực hoạt động và đổi mới. Trong đó, các giao dịch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang cho thấy thấy sự gia tăng mạnh mẽ từ năm 2021. Ngoài ra, các chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, công nghiệp và tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động M&A.

Có tới 99% DN đưa những vấn đề về ESG vào chiến lược mua bán của mình, trong khi có 6% đã từ bỏ các giao dịch vì lo ngại liên quan đến ESG về mục tiêu. Mặc dù 6% là con số khiêm tốn nhưng gần đây, ESG đã trở thành một lăng kính mà thông qua đó, tài sản được xem xét.

EY đưa ra khuyến nghị, các DN cần xem xét một cách có hệ thống danh mục đầu tư thông qua lăng kính thay đổi về nhân lực, kỳ vọng của khách hàng và xã hội, từ đó chuẩn bị thoái vốn và định hình lại hoạt động phù hợp với môi trường mới. DN cần hiểu được sức mạnh tổng hợp và rủi ro từ các tài sản không quen thuộc để không chệch hướng với hoạt động kinh doanh cốt lõi./.

THÙY LÊ