Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách quản lý tài chính công thế hệ mới
Chính trị - Ngày đăng : 20:35, 22/01/2022
(BKTO) - Những năm qua, Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với các nhà tài trợ trong việc đàm phán, ký kết, triển khải các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Riêng năm 2021 có 12 hiệp định, thỏa thuận với tổng số vốn cam kết khoảng 1 tỷ USD.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Ngày 21/01, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Nhóm đối tác tài chính công. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì và điều hành Hội nghị.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ đã hỗ trợ ngành tài chính hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính; nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính công; đổi mới các quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành tài chính và tăng cường năng lực cán bộ ngành tài chính.
10 năm tới, việc cải cách tài chính công, đặc biệt là cải cách thể chế tài chính, hiện đại hóa ngành tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống an sinh xã hội và thực hiện hiệu quả các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính mong muốn được các chuyên gia, các đối tác góp ý về những kết quả của ngành tài chính, những thách thức và khuyến nghị về các giải pháp chính sách tài khóa thời gian tới để hoàn thiện các ưu tiên chiến lược ngành tài chính đến năm 2030.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2021 cũng như trước đây, Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với các nhà tài trợ trong việc đàm phán, ký kết, triển khải các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Riêng trong năm 2021 đã có 12 hiệp định, thỏa thuận với tổng số vốn cam kết khoảng 1 tỷ USD, bên cạnh đó còn 11 khoản vay đang tiếp tục hoàn thiện để ký kết.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây (2020-2021) đạt tỷ lệ thấp, một mặt do công tác chuẩn bị, triển khai dự án của các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, mặt khác do thủ tục giải ngân vốn còn phức tạp, các công việc phải lấy ý kiến không phản đối của nhà tài trợ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia không sang được Việt Nam, việc nhập thiết bị cho dự án có khó khăn.
Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với nhà tài trợ để tháo gỡ; đồng thời Bộ Tài chính đề nghị nhà tài trợ xem xét hài hòa thủ tục để tiếp cận với thủ tục trong nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện song phải đảm bảo chặt chẽ.
Bà Carolyn Turk khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ giữa các bên nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cải cách quản lý tài chính công thế hệ mới, hướng tới phục hồi xanh, bao trùm và có khả năng chống chịu qua đại dịch cũng như trong triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia./.
THÙY ANH