Xuất khẩu lao động 2022: Thách thức song hành cơ hội

Kinh tế - Ngày đăng : 20:36, 22/01/2022

(BKTO) - Mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022 sẽ không hề dễ dàng trong bối cảnh thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, những động thái tích cực từ các nước dịp đầu năm đang mang lại hy vọng về một thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tươi sáng hơn năm 2021.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

   

Năm 2021, xuất khẩu lao động chỉ đạt hơn 50% kế hoạch

Những năm trước, theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Yên Thành, Nghệ An, mỗi năm huyện có khoảng 1.500 -1.800 lao động xuất cảnh sang nước ngoài. Hiện toàn Huyện có khoảng hơn 18.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Với số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài trên, XKLĐ đã trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.

Mỗi năm, lao động ở nước ngoài gửi về quê khoảng 200 triệu USD. Yên Thành đã hình thành những làng, xã XKLĐ. Đời sống kinh tế của nhiều hộ dân ngày càng phát triển từ nguồn thu nhập của các lao động đang làm việc ở nước ngoài gửi về.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến việc làm, thu nhập của người lao động ở nước ngoài, dẫn tới nguồn kiều hối bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, số lao động đi XKLĐ của Huyện giảm sút do các DN, thị trường việc làm ở nước ngoài gặp khó khăn.

Không riêng gì huyện Yên Thành, năm 2021, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Nghệ An bị “chững” lại hơn so với mọi năm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, năm 2021, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là trên 11.200 người (đạt 89,68% kế hoạch đề ra). Hai thị trường tiếp nhận chính vẫn là Nhật Bản (4.117 người) và Đài Loan (Trung Quốc) là 5.993 người và các thị trường khác (1.100 người).

Có thể nói, “đóng băng” là từ được nhắc đến nhiều nhất khi được hỏi về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, nhiều DN bị đình trệ, phải tạm dừng, đóng cửa. Vấn đề giải quyết việc làm trong và ngoài nước cho người lao động ngày càng khó khăn.

Nhiều người lao động đã đào tạo xong nhưng không thể xuất cảnh vì bên nước tiếp nhận vẫn chưa mở cửa đón lao động do dịch bệnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch nên tâm lý người lao động còn dè chừng, e ngại, lo sợ bị hủy đơn hàng, hoãn thời gian xuất cảnh, dẫn đến chưa mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là 45.058 lao động (15.177 nữ), đạt 50,06% kế hoạch được giao năm 2021 (90.000 lao động), bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020 (78.641 lao động).

Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) là 19.531 lao động (6.487 nữ), Nhật Bản 19.510 lao động (8.335 nữ), Trung Quốc 1.820 lao động, Hàn Quốc 1.036 lao động (6 nữ), Rumani 795 lao động (131 nữ), Singapore 713 lao động nam, Hungary 465 lao động (114 nữ), Serbia 304 lao động nam…

Vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội

Nhận định về thị trường XKLĐ trong năm 2022, nhiều chuyên gia nhận định, đây sẽ tiếp tục là năm có nhiều khó khăn đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội, nhất là hiện nay, các nước trên thế giới đã chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, tại các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết, các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các giải pháp để đón đầu cơ hội.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động nước ngoài cho biết, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022. Theo đó, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) trong năm 2022 sẽ ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021).

Cùng với thị trường Hàn Quốc, đầu năm 2022 cũng đón nhận tin vui từ Singapore. Theo thông tin từ Bộ Nhân lực Singapore, từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Bộ Nhân lực nước này thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến dưới hình thức visa Work Permit (giấy phép lao động).

Trước đây, Singapore chỉ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc tại nước này dưới hình thức visa Employment Pass (chương trình thị thực lao động dành cho các chuyên gia nước ngoài có kỹ năng chuyên môn) và S Pass (cho lao động lành nghề).

Dù vậy, theo các chuyên gia, để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như vượt qua thách thức, ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương, DN chủ động nghiên cứu, định hướng, tuyên truyền đến người lao động những thị trường lao động có tiềm năng, lựa chọn những DN uy tín, đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và tránh thiệt hại cho người lao động.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngành chức năng, các DN trong việc bồi dưỡng tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho người lao động để chuẩn bị nguồn lao động có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cần khuyến khích DN XKLĐ đầu tư chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và thâm nhập vào thị trường có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 580.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, riêng thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người, Nhật Bản có gần 250.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông - châu Phi, Đông Nam Á và châu Âu).
THÀNH ĐỨC