Vai trò của kiểm toán viên trong các giao dịch thị trường vốn

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:20, 25/01/2022

(BKTO) - Thị trường vốn Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, thị trường vẫn có những chuyển biến tích cực. Giá và thanh khoản cổ phiếu tăng. Thị trường trái phiếu cũng đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho các DN trong nước. Trong quá trình phát triển này, các kiểm toán viên (KTV) độc lập đã có những đóng góp nhất định, trong đó bao gồm việc đưa ra sự đảm bảo hợp lý về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính của các tổ chức phát hành (TCPH).



Ông Phạm Thái Hùng

Sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung ở Việt Nam đã và đang tạo ra những đòi hỏi cao hơn về chất lượng của các thông tin tài chính và phi tài chính được cung cấp cho nhà đầu tư. Điều này có nghĩa, TCPH và tổ chức bảo lãnh phát hành (TCBLPH) phải có trách nhiệm thẩm tra và rà soát những thông tin này, đặc biệt trong các giao dịch phát hành ra công chúng.

Thư bảo đảm về các thông tin tài chính quá khứ và thông tin tài chính theo quy ước

Việc KTV độc lập phát hành thư đảm bảo cho TCPH và TCBLPH là một nghiệp vụ thông dụng trong các giao dịch chào bán và niêm yết chứng khoán trên thế giới. Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới quy định bản cáo bạch phải bao gồm báo cáo tài chính từ 2 đến 3 niên độ hoặc kỳ báo cáo gần nhất. Ngoài ra, TCPH và TCBLPH phải rà soát, thẩm tra ảnh hưởng của các sự kiện, thông tin tài chính sau niên độ lên báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc soát xét.

Nếu TCPH cơ cấu lại, mua hoặc bán DN, tương tự với quy định của các thị trường quốc tế, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (Nghị định 155) quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán cũng yêu cầu TCPH phải lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước được đảm bảo bởi sự chấp thuận của tổ chức kiểm toán. Tuy đây là một quy định mới tại thị trường Việt Nam và cần hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính nhưng nó là một bước phát triển quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của thông tin cung cấp cho các cơ quan chức năng và nhà đầu tư. Bước đi này là yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của TCPH và TCBLPH. Với dạng báo cáo này, nhà đầu tư có thể nhìn được tác động của các sự kiện cơ cấu lại, mua hoặc bán DN với giả định là chúng đã xảy ra tại một thời điểm trước đây, giúp ích cho việc so sánh hoạt động của TCPH giữa các năm.

Với cả 2 yêu cầu về thông tin tài chính quá khứ và thông tin tài chính theo quy ước nói trên, TCPH và TCBLPH sẽ cần phải có sự hỗ trợ của KTV.

Với yêu cầu thứ nhất, KTV sẽ thực hiện các thủ tục như: Phỏng vấn ban giám đốc về tình hình hoạt động kinh doanh sau niên độ được kiểm toán hoặc soát xét, đọc biên bản các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc, so sánh và phân tích các báo cáo tài chính quản trị cho kỳ báo cáo sau kiểm toán hoặc soát xét… Đây là những thủ tục thông dụng được thực hiện bởi KTV cho các giao dịch phát hành chứng khoán quốc tế. Hiện ở Việt Nam chưa có thông lệ này bởi TCPH và TCBLPH chưa yêu cầu KTV thực hiện các thủ tục nói trên. Đối với các TCBLPH có tiếng trên thế giới, những thông lệ quốc tế này được hiểu là cần phải có bởi chúng giúp TCPH và TCBLPH đảm bảo thực hiện đầy đủ các trách nhiệm pháp lý của mình. Thiết nghĩ, đã tới lúc chúng ta thấy được sự cần thiết của thư đảm bảo do các công ty kiểm toán phát hành.

Với yêu cầu thứ hai, Nghị định 155 đánh dấu việc các TCPH và TCBLPH phải chịu trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước. Trong dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, chúng ta thấy có nhiều hướng dẫn cụ thể về việc lập các báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước. KTV độc lập sẽ có trách nhiệm phát hành thư đảm bảo về các báo cáo này theo Chuẩn mực số 3420 “Hợp đồng dịch vụ đảm bảo về báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước trong bản cáo bạch”.

Các thủ tục liên quan đến vốn lưu động trong tương lai gần

Một số thị trường vốn phát triển như London (Anh) hoặc Hồng Kông quy định TCPH và TCBLPH phải đảm bảo là TCPH có đủ vốn lưu động trong tương lai gần. TCPH chịu trách nhiệm lập dự báo dòng tiền dựa trên các giả định về doanh thu, chi phí, thu, trả nợ ngắn và dài hạn, mua và xây dựng tài sản mới… TCPH lập những dự báo này trên các cơ sở tình huống bình thường và tình huống xấu nhất. TCBLPH có trách nhiệm thẩm tra và rà soát tính hợp lý của những dự báo này. Đây là một yêu cầu quan trọng để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào chứng khoán của TCPH.

Ở những thị trường này, TCPH và TCBLPH yêu cầu công ty kiểm toán độc lập đưa ra ý kiến về tính hợp lý của các dự báo dòng tiền và khả năng có đủ vốn lưu động trong tương lai gần của DN. Ý kiến của KTV về dự báo vốn lưu động giúp TCPH và TCBLPH có thêm sự đảm bảo của bên thứ ba về khả năng tiếp tục hoạt động của DN trong tương lai gần.

Các thủ tục liên quan đến hệ thống quản lý nội bộ về báo cáo tài chính

TCPH và TCBLPH cũng có trách nhiệm phải thẩm tra và rà soát hệ thống quản lý nội bộ liên quan đến báo cáo tài chính. Câu hỏi mà các cơ quan chức năng ở những thị trường chứng khoán quốc tế dành cho TCPH và TCBLPH là liệu hệ thống quản lý của DN chào bán chứng khoán có đủ khả năng thu thập, tạo lập, kiểm tra thông tin tài chính một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời hay không.

Thông lệ ở các thị trường phát triển này là TCPH và TCBLPH yêu cầu KTV độc lập đưa ra ý kiến về hệ thống quản lý nội bộ liên quan đến báo cáo tài chính của DN. KTV độc lập sẽ kiểm tra, đánh giá các quy trình và hệ thống. Dựa vào kết quả của các thủ tục kiểm tra và đánh giá, công ty kiểm toán sẽ đưa ra kết luận về khả năng của hệ thống quản lý nội bộ và nếu cần thiết thì đưa ra các khuyến nghị. Thông thường, người ta sẽ muốn một kết luận không có hoặc có rất ít khuyến nghị. Vì thế, để chuẩn bị cho các giao dịch phát hành chứng khoán ra công chúng, các DN thường làm việc với công ty kiểm toán độc lập từ rất sớm, có thể là một hoặc vài năm trước khi niêm yết, để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống của mình.

Tóm lại, sự phát triển của thị trường vốn đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ các TCPH và TCBLPH. Điều này cũng có nghĩa là cần có sự tham gia của các chuyên gia, trong đó có KTV. Ngoài những dịch vụ truyền thống như kiểm toán và soát xét, công ty kiểm toán góp phần vào việc nâng cao chất lượng của thông tin tài chính cũng như hệ thống tạo ra những thông tin đó. Mục đích cuối cùng là đảm bảo tốt nhất có thể việc cung cấp và chất lượng thông tin được cung cấp cho nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý.

PHẠM THÁI HÙNG
Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam