​Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:20, 26/01/2022

(BKTO) - Trong những năm qua, thông tin và tài liệu do KTNN cung cấp là một trong những căn cứ quan trọng để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, chất vấn và giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của cử tri về tài chính, ngân sách, tình hình quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. Để tăng cường vai trò, trách nhiệm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, KTNN cần đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động, đảm bảo tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ và tăng tính minh bạch, độ tin cậy của các kết quả kiểm toán.



KTNN là một trong những công cụ có hiệu lực góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng Ảnh tư liệu

Vai trò quan trọng của hoạt động kiểm toán nhà nước

Với chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính, kết quả và ý kiến của KTNN là căn cứ quan trọng để Quốc hội thảo luận và quyết định, thực hiện chức năng giám sát tối cao. Kết quả kiểm toán được công khai và cung cấp đầy đủ, định kỳ cho đại biểu Quốc hội và cử tri, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát với tư cách là chủ nhân của đất nước. Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ, góp phần hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp và hệ thống chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, KTNN đảm bảo minh bạch các quan hệ kinh tế, tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Hoạt động kiểm toán xác nhận độ tin cậy của thông tin trên báo cáo tài chính, làm căn cứ để Nhà nước đưa ra các biện pháp, quyết sách quản lý phù hợp. Đồng thời, kết quả kiểm toán giúp cho các đơn vị được kiểm toán thấy rõ những sai sót, hạn chế và giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý kinh tế tài chính tại đơn vị, tuân thủ luật pháp và thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, kinh phí, tài sản của Nhà nước.

Hơn nữa, hiện nay, Đảng và Nhà nước coi tham nhũng là một “quốc nạn” và công cuộc chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những công cụ có hiệu lực góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hoạt động KTNN là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công. Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội

Để đảm bảo và tăng cường vai trò, trách nhiệm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, KTNN cần quan tâm những vấn đề sau:

Trước hết, cần khẳng định, đối tượng phục vụ của KTNN là Quốc hội - hỗ trợ Quốc hội thực hiện chức năng quyết định và giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính. Với chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp, tin cậy của các thông tin về tài chính, ý kiến của KTNN là căn cứ quan trọng để Quốc hội thực hiện giám sát về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia. Đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội trả lời và giải quyết các kiến nghị của cử tri, chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội.

Thứ hai, KTNN cần triển khai và đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả. Kết quả kiểm toán hoạt động rất cần cho Quốc hội trong công tác đánh giá, giám sát và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội. Mục tiêu của kiểm toán tính kinh tế và tính hiệu quả là đánh giá và xác định tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc bảo đảm, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, các ngành, địa phương và đơn vị; đánh giá mức độ và nguyên nhân sử dụng không hiệu quả, không kinh tế. Kiểm toán hoạt động cho phép lượng hóa và đánh giá dựa trên bằng chứng, kết quả đã đạt được với chi phí thực tế, vốn và công sức đã bỏ ra.

Thứ ba, hoạt động của KTNN phải đảm bảo tính độc lập, theo hai khía cạnh: Kiểm toán viên phải hoàn toàn độc lập, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ và tính độc lập phải được thể hiện rõ ràng bằng các quy định, chế tài để tránh mọi sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Để KTNN thực sự là cơ quan kiểm tra tài chính cấp cao, là công cụ hữu hiệu phục vụ Quốc hội giám sát, KTNN phải hoàn toàn độc lập trong xác định đối tượng, nội dung kiểm toán, độc lập trong kiểm tra đánh giá và đưa ra ý kiến. Kết luận và kiến nghị của KTNN được thực hiện dựa trên bằng chứng, vì vậy, các ủy ban của Quốc hội cần đánh giá và chọn lọc các kết luận của KTNN để sử dụng trong thảo luận, quyết định và giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ tư, KTNN cần tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của các thông tin kiểm toán để Quốc hội thảo luận, xem xét và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, thực hiện hoạt động giám sát tại mỗi kỳ họp và trên thực tế. Thông tin của KTNN cần được công bố rộng rãi để tăng thêm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo điều kiện để Quốc hội, các cơ quan dân cử, xã hội và người dân tham gia giám sát. Kết quả kiểm toán (trừ những thông tin bí mật theo quy định của Nhà nước) và tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN cần công khai đến từng đại biểu Quốc hội và người dân.

Thứ năm, Quốc hội cần sử dụng có hiệu quả, ở mức tối ưu nhất các kết luận của KTNN trong hoạt động giám sát về tài chính, NSNN, tài sản công. Quốc hội chỉ có thể đưa ra các quyết định và giám sát hiệu quả khi có sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra, đánh giá kết quả các thông tin tài chính - kinh tế. Vì vậy, Quốc hội cần thành lập cơ quan chuyên môn để tiếp nhận, phân tích, đánh giá và chọn lọc kết quả kiểm toán, từ đó cung cấp cho đại biểu Quốc hội sử dụng. Các thông tin này phải đảm bảo yếu tố thiết thực, trọng yếu, vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp với những vấn đề tài chính, NSNN mà Quốc hội và nhân dân quan tâm.

Với việc quan tâm, đáp ứng tốt các yêu cầu trên, chắc chắn rằng, KTNN sẽ thực hiện thành công chiến lược phát triển KTNN trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (Theo Báo Kiểm toán số Xuân)