Cập nhật chuẩn mực kiểm toán Việt Nam: Huy động đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:35, 26/01/2022

(BKTO) - Hiện nay, yêu cầu cập nhật các chuẩn mực nghề nghiệp, trong đó có chuẩn mực kiểm toán (CMKT) đã trở nên cấp thiết. Với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Tài chính, các kiểm toán viên (KTV), DN kiểm toán, cùng các trường đại học, hiệp hội, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã bắt đầu cập nhật hệ thống CMKT Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế.


Cập nhật chuẩn mực kiểm toán để tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế
Hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp, bao gồm CMKT có vai trò thiết yếu đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Chính vì vậy, cùng với việc thành lập các DN kiểm toán đầu tiên vào năm 1991 và đưa dịch vụ kiểm toán độc lập vào hoạt động tại Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã sớm nghiên cứu và ban hành hệ thống CMKT.
Từ năm 2009 đến năm 2015, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, các DN, KTV và các trường đại học, VACPA đã nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật hệ thống 47 chuẩn mực nghề nghiệp Việt Nam trên cơ sở hệ thống CMKT quốc tế, gồm: 37 CMKT tập trung vào dịch vụ kiểm toán, 10 CMKT với phạm vi rộng hơn, bao gồm cả dịch vụ soát xét, dịch vụ đảm bảo khác ngoài dịch vụ kiểm toán, dịch vụ liên quan và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Các chuẩn mực ban hành đã được áp dụng vào thực tiễn hành nghề và tạo ra thay đổi nhất định trong phương pháp luận kiểm toán cũng như xác định, xử lý tốt hơn các rủi ro của cuộc kiểm toán.
Tuy nhiên, thời gian qua, các chuẩn mực nghề nghiệp của quốc tế đã liên tục được ban hành lại, ban hành mới hoặc sửa đổi, dẫn tới có nhiều nội dung thay đổi so với các chuẩn mực nghề nghiệp hiện hành tại Việt Nam. Đặc biệt, nhóm chuẩn mực quốc tế về báo cáo kiểm toán (BCKT) đã có các thay đổi mang tính bước ngoặt và ảnh hưởng đến hầu hết các chuẩn mực còn lại.
Cụ thể, đến ngày 31/12/2020, so với phiên bản sử dụng để soạn thảo các CMKT của Việt Nam, Ủy ban CMKT và Dịch vụ đảm bảo quốc tế (IAASB) đã ban hành mới 1 chuẩn mực về BCKT, 1 khuôn khổ về chất lượng kiểm toán và sửa đổi 31/36 CMKT. Năm 2021, IAASB tiếp tục ban hành mới và ban hành lại 3 chuẩn mực về quản lý chất lượng (có hiệu lực từ tháng 12/2022) và ban hành Dự thảo CMKT các đơn vị ít phức tạp (LCEs). IAASB vẫn đang tiếp tục sửa đổi CMKT và sẽ tập trung vào xử lý các thách thức mới nổi liên quan đến lợi ích công chúng trong 3 năm tới.
Hơn nữa, môi trường kinh doanh của các DN ngày càng phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro, đòi hỏi KTV nâng cao thái độ hoài nghi nghề nghiệp và thủ tục theo các sửa đổi của CMKT quốc tế. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng mở rộng, nhu cầu thông tin mà các nhà đầu tư mong muốn nhận được từ BCKT ngày càng nhiều hơn, trong khi BCKT theo các CMKT Việt Nam hiện hành đang có những hạn chế trong việc cung cấp thông tin so với chuẩn mực quốc tế hiện hành.
Chính vì vậy, với mục tiêu phục vụ lợi ích công chúng, nâng cao chất lượng kiểm toán để phát triển nghề nghiệp kiểm toán độc lập, việc cập nhật các CMKT sẽ giúp Việt Nam tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời hoạt động kiểm toán trong nước cũng phát triển và được công nhận rộng rãi hơn trong khu vực cũng như trên thế giới.

Còn nhiều việc phải làm
Việc cập nhật các CMKT là yêu cầu cần thiết nhưng cần được cân nhắc, có chọn lọc, nhất là khi các ủy ban soạn thảo chuẩn mực nghề nghiệp quốc tế vẫn đang liên tục cập nhật các chuẩn mực. Bộ Tài chính và các hiệp hội trong nước cần nghiên cứu, thống nhất cách thức cập nhật cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, chẳng hạn như cập nhật theo đợt hay cập nhật thường xuyên... Tương ứng với mỗi cách thức lựa chọn cần xây dựng nguồn lực cả về nhân sự, tài chính cũng như mô hình tổ chức cập nhật CMKT cho phù hợp nguồn lực của VACPA.
Bên cạnh đó, một số chuẩn mực quốc tế như các chuẩn mực về dịch vụ đảm bảo khác (IASE 3402 - Báo cáo đảm bảo về các kiểm soát tại tổ chức cung cấp dịch vụ và IASE 3410 - Hợp đồng dịch vụ đảm bảo về báo cáo khí thải nhà kính) cần được cân nhắc ban hành để đáp ứng thực tế hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam.
Một vấn đề nữa cần quan tâm là đảm bảo nguồn lực cần thiết, bao gồm cả nhân sự và tài chính để thực hiện quá trình cập nhật toàn bộ hệ thống CMKT. Với khối lượng cập nhật lớn, yêu cầu chuyên môn cao và tác động đến nhiều bên, công việc này cần sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, KTV có kiến thức và kinh nghiệm cao, các cơ sở đào tạo. Thực tế cho thấy, để cập nhật CMKT trong các giai đoạn trước, VACPA đã huy động nhiều nhân sự cao cấp của các DN kiểm toán lớn, giảng viên các trường đại học cùng với sự tham gia của Bộ Tài chính cho quá trình soạn thảo trong quãng thời gian dài (6 năm). Vì vậy, việc xác định lộ trình và nguồn lực để cập nhật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó cần có sự hỗ trợ lớn từ cơ quan quản lý nhà nước, cam kết hỗ trợ tích cực từ các DN kiểm toán và các trường đại học.
Bên cạnh việc cập nhật chuẩn mực, Bộ Tài chính cần nghiên cứu và biên soạn các tài liệu để phổ biến, hướng dẫn áp dụng nhằm giúp các KTV, DN kiểm toán, các bên liên quan hiểu và triển khai trong thực tế hành nghề./.
         
Năm 2020, VACPA đã hoàn thành Dự thảo cập nhật 10 CMKT, tập trung vào các chuẩn mực về BCKT. Trong năm 2021, VACPA đã hoàn thành Dự thảo 20 CMKT tiếp theo, bao gồm 5 CMKT ban hành mới thay đổi phần lớn nội dung của các CMKT số 250, 260, 315, 540, 610 và 15 CMKT sửa đổi, bổ sung một số nội dung chuẩn mực cũ. Thời gian tới, VACPA sẽ tiếp tục cập nhật CMKT 220 và các chuẩn mực về quản lý chất lượng, chuẩn mực nghề nghiệp khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như tiếp cận kịp thời với thông lệ quốc tế.
Bà Hà Thị Ngọc Hà (Theo Báo Kiểm toán số Xuân)