Làng hoa Cái Mơn làm đẹp ngày xuân

Xã hội - Ngày đăng : 14:45, 09/02/2017

(BKTO) - VùngCái Mơn chuyên sản xuất cây giống, hoa kiểng, được ví như “Vương quốc”của câycảnh, bao gồm xã Vĩnh Thành và một phần của các xã Phú Sơn, Tân Thiềng, VĩnhHòa, Hưng Khánh Trung B, Long Thới. Trong những chợ hoa ngày tết ở miền Nam,sản lượng hoa ở Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) luôn chiếm tới hơn 50%, cònlại là hoa của làng hoa Sa Đéc, làng hoa Hóc Môn và các vùng trồng hoa ở địaphương.



Nhà mát bằng cây xanh mặt hàng chủ lực của người dân trồng hoa kiểng Cái Mơn.

Theo nhà Nam bộ học Sơn Nam thì do Cái Mơn là vùng Thiên Chúa giáo, các cha xứ người Pháp đã đem nghề làm cây giống, hoa kiểng từ đảo Pénang (Indonesia), du nhập vào xứ đạo Cái Mơn truyền lại cho giáo dân, từ đó các nghề như làm cây giống, làm hoa kiểng có mặt từ đó. Cách nay 35 năm, người dân Cái Mơn đã khôi phục lại nghề trồng hoa kiểng và nhiều nhất là cây tắc (quất). Họ trồng tắc và vô chậu lớn, tạo hình cây thông bán cho các đại gia ở TP.HCM. Việc mua tắc bày vào ngày tết đã có lâu đời trước 1975, khi các thương nhân người Hoa ở Chợ Lớn ưa chuộng, bởi tắc hay trái quất biểu tượng cho sự may mắn. Một chậu lớn có hàng chục cây tắc được trồng chụm vào nhau trông rất bắt mắt, giống hình cây thông, giá trị gấp chục lần nếu bán tắc tự nhiên. Cái Mơn còn là nơi sản xuất mai vàng cung cấp cho làng mai Thủ Đức. Từ khi Thủ Đức được đô thị hóa, đất không còn chỗ để trồng mai, người dân ở đây mua mai từ Cái Mơn về kinh doanh vẫn có lãi mà không tốn công chăm sóc nhiều. Đặc biệt, cây kiểng hình thú là mặt hàng truyền thống của Cái Mơn. Nếu như trước kia, người làm hoa kiểng dùng cây bùm sụm để tạo thành hình con nai, bán cho những nhà giàu trưng bày trước sân nhà, thì năm 1996, một nghệ nhân tên Chín Bình đã cải cách dùng cây tắc tạo hình con chuột kiểng xuất khẩu sang Singapore, sau đó nghệ nhân trong vùng như ông Năm Công (Hưng Khánh Trung B) đã làm kiểng hình con trâu chào đón SEA Games 19 khiến làng nghề làm ăn phất lên từ đó. Do nắm bắt được thị hiếu và thời sự, nghệ nhân Năm Công đã tạo ra nhiều kiểng thú cung cấp cho các công viên tại TP. HCM như con rồng, con trâu, con dê. Những mặt hàng bán chạy và không bị lỗi thời đó là nhà mát bằng cây xanh được các khu du lịch, quán cà phê sân vườn đặt mua để làm nơi thưởng trà cho chủ nhà hay để bạn bè nhậu nhẹt. Một nhà cây xanh có giá khoảng 6 triệu đồng, được người sản xuất đem tới tận nơi trồng và hướng dẫn chăm sóc sao cho sử dụng lâu bền.

Gần đây, do nhu cầu thiết kế sân vườn xanh, làng nghề Cái Mơn còn làm cả các bức vách bằng cây xanh. Dân làng nghề Cái Mơn dùng dùng cây xanh, cây si (loại cây có thân mình dẻo dễ uốn) uốn mình bao quanh khung sườn sắt, cành lá xum xuê. Các bức tường cây xanh này được tạo với kích thước 2x2m, cây bao phủ sườn, rễ cây được bó “củ tỏi”, khi đến nơi sẽ hạ thổ. Năm Đinh Dậu, làng nghề cũng có nhiều cơ sở nhận đặt làm kiểng hình gà, có con gà kiểng làm bằng cây mai chiếu thủy, bông trắng li ti, trồng quanh nhà về đêm có chút hương thơm. Tuy nhiên, loại kiểng thú theo năm gần đây dường như không được thịnh hành lắm vì giá cao, dùng chỉ được một năm nên nhà vườn chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách.

Ở làng nghề Cái Mơn cứ vào khoảng 20 tháng Chạp là thương lái từ các nơi đến chở hàng, chuyển bằng ghe và xe tải đến các chợ hoa. Các cây kiểng đắt tiền, cao giá thì đưa về TP.HCM, các loại hoa khác như cúc, vạn thọ, đồng tiền, bông dừa cạn… thì chia sẻ cho chợ hoa tỉnh và góp phần tô điểm sắc xuân cho khắp mọi nhà.
Bài và ảnh: LƯƠNG MINH