Chuyển đổi số bắt đầu từ hệ thống dữ liệu sẵn có và phát huy tính sáng tạo của kiểm toán viên
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:20, 27/01/2022
(BKTO) - Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 xác định: “Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai…”. Hòa chung sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, KTNN cần chọn đúng và trúng hướng phát triển đột phá của công cuộc CĐS, huy động được trí tuệ toàn Ngành, hướng đến các mục tiêu, chiến lược đã đề ra.
Chuyển đổi số tại KTNN nên tập trung theo chiều rộng với quyết tâm của toàn Ngành dựa trên chiến lược, kế hoạch khoa học. Ảnh tư liệu
Chuyển đổi số gắn với 3 chiều phát triển
CĐS tại KTNN, nói một cách ví von gồm 3 chiều phát triển: Chiều rộng gắn với việc phát triển hệ thống, cơ sở dữ liệu (CSDL) tri thức và phần mềm công cụ; chiều dài gắn với việc tin học hóa các quy trình quản lý; chiều cao gắn với hệ thống hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin (CNTT).
Nhìn từ chiều cao, có thể thấy, KTNN đã đầu tư mạnh mẽ để CĐS và đạt được nhiều kết quả: Hệ thống máy chủ tiên tiến vận hành các ứng dụng thông suốt, hệ thống các kênh kết nối căn bản tương đối đầy đủ (email, cổng thông tin, họp trực tuyến). Bên cạnh đó, KTNN đã triển khai các biện pháp an toàn thông tin và đảm bảo mọi sự kết nối trên hệ thống máy chủ, đăng nhập bằng một mật khẩu duy nhất, hệ thống wifi, internet…; trang bị đầy đủ Laptop và Ipad cho kiểm toán viên nhà nước (KTVNN). Tuy nhiên, một phần hệ thống hạ tầng, thiết bị chưa phục vụ hết công suất cho hoạt động của Ngành; thiết bị, máy móc CNTT nhanh chóng bị lỗi thời và khấu hao nhanh do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại.
Về chiều dài, KTNN đã đưa vào sử dụng gần 30 phần mềm gắn với các quy trình quản lý khác nhau trong hoạt động kiểm toán và quản lý điều hành, góp phần cải cách hành chính, giảm chi phí, hỗ trợ quản lý, chỉ đạo, điều hành kịp thời, thuận tiện. Tuy nhiên, phát triển theo chiều dài tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả thấp do bài toán quy trình quản lý cần tin học hóa có quá nhiều ẩn số. Các quy trình quản lý của KTNN rất phức tạp, gắn với 3 chiều phân cấp quản lý khác nhau cần đáp ứng: Chiều cao của phân cấp đoàn kiểm toán; chiều dọc của phân cấp quản lý theo đơn vị/phòng; chiều ngang của chuyên môn gắn với các Vụ tham mưu, KTNN chuyên ngành/khu vực và các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, triển khai theo chiều dài cần mức độ văn hóa số nhất định, thái độ sẵn sàng chấp nhận cái mới của toàn Ngành.
Về chiều rộng, phát triển CĐS tại KTNN gồm 3 nội dung nghiệp vụ chính: Thu thập, tìm kiếm trên dữ liệu số; phân tích, tính toán lại, đối chiếu các nguồn dữ liệu số khi thực hiện kiểm toán; rà soát, soạn thảo, đối chiếu giữa các văn bản hồ sơ kiểm toán khác nhau nhằm đảm bảo sự thống nhất, logic giữa mục tiêu, nội dung, kế hoạch, phát hiện, kiến nghị kiểm toán của cuộc kiểm toán. Đây là chiều cần được KTNN tiếp tục hoàn thiện để khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu số sẵn có, xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ các công việc kiểm toán, điều hành hằng ngày, cũng như phát huy được tính sáng tạo của từng KTV. Các hệ thống kỹ năng ứng dụng CNTT phổ biến, hệ thống phần mềm công cụ CNTT sẵn có hoặc các hệ thống, CSDL tri thức công khai đang được cải tiến liên tục hằng ngày theo tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong quá trình CĐS, chiều rộng có tốc độ phát triển nhanh nhất, có nhiều ảnh hưởng nhất đến chất lượng hoạt động kiểm toán.
KTNN đã đầu tư mạnh mẽ để chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả. Ảnh tư liệu
Tập trung chuyển đổi số theo chiều rộng
Thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, tính khả thi của việc phát triển CĐS theo chiều rộng trong hoạt động kiểm toán của KTNN được minh họa bởi 3 phần mềm sau:
Phần mềm SAV-Search minh họa cách áp dụng giải pháp máy tìm kiếm thông minh trong kho dữ liệu văn bản cực kỳ lớn. Toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật trên trang website: http://thuvienphapluat.vn được thu thập sắp xếp tự động thông minh chi tiết đến từng điều điểm. Công nghệ tìm kiếm thông minh cho phép phân loại nhóm văn bản trên theo từng chủ đề chuyên môn nhỏ hơn; xây dựng hệ thống các từ khóa chuyên môn để phục vụ tra cứu. Giao diện tìm kiếm đơn giản, thân thiện như trang tìm kiếm Google nhưng lại có hệ thống tìm kiếm mạnh mẽ trên kho dữ liệu khổng lồ văn bản của KTNN trong tương lai.
Phần mềm SAV-NLP minh họa chính cách áp dụng giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên tự động (một nhánh của trí tuệ nhân tạo) trong hoạt động kiểm toán. Toàn bộ hơn 10.000 trang các văn bản, tài liệu nội bộ liên quan đến đơn vị được kiểm toán được chuyển từ định dạng ảnh sang định dạng số và tổ chức thành hồ sơ điện tử thông minh theo cây thư mục giúp KTVNN có thể tra cứu dễ dàng các thông tin được thu thập, tích lũy về đơn vị qua từng cuộc kiểm toán. Hồ sơ thông minh điện tử sẽ kết nối tự động với Phần mềm SAV-Search với các điều điểm được dẫn chiếu, các từ khóa chuyên môn cũng được giải thích ngữ nghĩa theo các quy định pháp luật. Toàn bộ sổ tay được tổ chức cấu trúc theo từng nội dung kiểm toán phù hợp.
Phần mềm SAV-BI minh họa cách áp dụng giải pháp kỹ thuật phân tích, tìm kiếm trên dữ liệu bảng biểu. Từ nguồn dữ liệu thô công khai của hệ thống mua sắm và đầu tư công quốc gia (http://muasamcong.mpi.gov.vn/), Phần mềm đã tổ chức, chuẩn hóa dữ liệu thô giúp người dùng có thể phân tích dữ liệu dưới dạng bảng biểu, trực quan sinh động. Thông qua các thông tin, người dùng có thể hình dung và tìm hiểu được thông tin chi tiết toàn bộ quá trình đầu tư, mua sắm công diễn ra trên địa bàn, từng đơn vị, từng nhà thầu, từng loại hàng hóa, qua thời gian, qua lịch sử các nhà cung cấp mà không cần tiếp xúc với đơn vị được kiểm toán.
Ba phần mềm trên là minh họa sống động cho việc công nghệ phục vụ thực tiễn “ngay và luôn” đạt hiệu quả rõ ràng, nhanh chóng. Vấn đề cốt lõi là việc sử dụng các nguồn dữ liệu khổng lồ nhưng hoàn toàn sẵn có, các công nghệ của Cách mạng công nghệ 4.0 được vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán, xuất phát từ sức sáng tạo vô cùng phong phú của các KTVNN.
Theo đó, CĐS tại KTNN nên tập trung theo chiều rộng với quyết tâm của toàn Ngành dựa trên chiến lược, kế hoạch khoa học.
Triển khai kiểm toán số dựa trên chiều sâu công nghệ gắn với kiểm toán CNTT và chiều rộng ứng dụng gắn với kiểm toán dữ liệu lớn. Dữ liệu điện tử của các CSDL quốc gia, CSDL Bộ, ngành, địa phương là tài nguyên số công quý giá đóng vai trò nền tảng của Chính phủ số nói chung và kiểm toán số tại KTNN. Tiến hành kiểm toán CNTT nên nâng sự hiểu biết công nghệ về tài nguyên số công và nhân rộng mô hình theo chiều rộng với việc áp dụng kiểm toán dữ liệu lớn.
KTNN cần có cơ chế phát hiện, khuyến khích triển khai hệ thống phần mềm công cụ như SAV-BI, SAV-Search, SAV-NLP trên cơ sở phát huy tính sáng tạo của từng KTV. Do đi từ thực tiễn hoạt động kiểm toán gắn với hoạt động thực tế nên hầu hết các phần mềm công cụ này là phát hiện sáng tạo của các KTVNN. Đây chính là cách tiếp cận ứng dụng CNTT từ dưới lên, từ thực tế hoạt động sát sườn phát triển dần lên các quy trình quản lý phức tạp. Nếu được nhân rộng, 3 phần mềm trên sẽ góp phần nâng cao nền văn hóa số, trình độ cho toàn Ngành.
TS. LÊ ANH VŨ
KTNN chuyên ngành VII