Hương xưa Tết cũ
Xã hội - Ngày đăng : 10:36, 27/01/2022
Mứt gừng xăm - món mứt cung đình được những người phụ nữ Huế xưa lưu giữ. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN
Sớm tinh khôi. Nắng vàng ươm lướt ngang mái ngói, rải từng cụm li ti lên sân nhà tựa như đóa hải đường vừa hé nở bên hiên. Cái rét mướt ngày đông, vừa thấy nắng đã lẩn trốn đâu đó sau khu vườn xanh ngắt cây lá. Trong cái nắng thơm nồng mùi cây cỏ, bỗng nhận ra hương Tết đang về.
Ngoại tôi bao giờ cũng bắt đầu soạn Tết bằng hũ dưa món. Nơi hiên nhà một sớm mai đầy nắng, ngoại soạn sửa củ quả rồi tỉ mẩn gọt bào, tỉa hoa tỉa lá. Cái hũ dưa món nhìn thì đơn giản, vậy mà chứa đựng biết bao sự khéo léo của đôi tay người phụ nữ. Nước mắm phải nấu với đường phèn sao cho đủ độ mặn ngọt. Cà rốt, đu đủ, củ kiệu, ớt đỏ được phơi khô queo qua mấy con nắng ngược mùa mới ngâm mình trong hũ nước mắm nồng nàn mùi biển. Để sáng mồng Một Tết, bên cạnh đĩa bánh tét xanh ngắt màu lá đặt trên bàn thờ gia tiên, đĩa dưa món thơm lừng kế bên cũng phải khoe ra cái hương sắc rực rỡ.
Những ngày cận Tết, tôi thích nhất là loanh quanh trong chái bếp của ngoại. Chái bếp đã úa màu năm tháng lúc nào cũng đượm mùi củi lửa và khói xám trong mỗi sớm mai vừa thức dậy. Ngày cuối năm lại ngan ngát hương mứt bánh thơm lừng. Tôi nhớ mãi dáng ngoại ngồi bên ang nước tỉ mẩn gọt gừng. Giọng ngoại bõm bẽm vì đang nhai dở miếng trầu cay. Ngoại nói Tết có thể thiếu món mứt này, món bánh kia, nhưng mứt gừng nhất định không thể thiếu. Trong hương trầm thơm ngát, chén trà rót ra cúng ông bà ngày đầu năm, bao giờ cũng phải có đĩa mứt gừng cay nồng ấm ngọt như xua đi cái chớm lạnh của tiết xuân sang.
Ở Huế, người ta thích nhất là chọn gừng Tuần làm mứt. Gừng Tuần trồng ở vùng đất thuộc khu vực ngã ba Tuần, phía thượng nguồn dòng sông Hương, nơi có hai nhánh tả hữu của con sông hợp làm một trước khi dùng dằng chảy vào lòng TP. Huế. Đất ở đó là đất đồi pha sỏi, đặc biệt thích hợp với cây gừng nên khắp mảnh đất xứ kinh kỳ, chỉ có gừng trồng ở đây là ngon nhất. Gừng có mùi thơm mạnh, vị cay nồng, không gắt không nhạt như gừng xứ khác.
Hồi đó, chúng tôi chỉ thấy Tết về khi những căn bếp ở quê bắt đầu đỏ lửa sên mứt. Tôi nhớ cái cảm giác xúm xít ngồi bên ngoại, lật trở những lát mứt gừng trên chiếc mâm đồng trong căn bếp đỏ lửa và ấm nồng mùi mứt. Ngoại nói, mứt gừng là món mứt đơn giản nhất trong bếp của ngoại. Gừng chỉ cần bào mỏng, rồi luộc qua, sau đó sên với đường trên lửa củi liu riu cho đến khi nước đường cạn, hạt đường trắng ngần bám trên lát mứt ươm ươm màu nắng. Thi thoảng, ngoại cũng làm mứt gừng xăm. Mứt gừng xăm làm kỳ công hơn nhiều. Gừng phải chọn củ non, để nguyên phần gộc, dùng kim xăm thật kỹ, sau đó ngâm, luộc rồi mới đem sên, để mứt dù nguyên củ nhưng độ cay nồng lại dịu nhẹ và thanh tao, tinh tế.
Mứt gừng xăm là món mứt cung đình được những người phụ nữ Huế xưa lưu giữ. Người Huế bây giờ, hiếm ai còn làm món gừng xăm để dâng lên bàn thờ gia tiên trong lễ Tết. Mấy năm trước, trong dịp hiếm hoi được hạnh ngộ tại phủ Kiên Thái Vương, cạnh cung An Định để nghe bà Lê Thị Dinh - người cung nữ cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn còn sống - hoài niệm về Tết xưa nơi cung cấm, bà Dinh từng nói món mứt gừng xăm là cái hồn không thể thiếu trong những ngày tết chốn hoàng cung. Không biết có phải mâm cỗ mứt bánh từ nguyên liệu dân dã như: Mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt cam quất, bánh bài, bánh phục linh, bánh hạt sen, bánh chưng, bánh tét… được chế biến khéo léo, mĩ miều bằng sự gửi gắm tâm tư tinh tế của những nàng cung nữ, hay bởi hình ảnh các vị vua kính cẩn quỳ lạy, thắp hương dâng lên tổ tiên mâm cỗ mứt bánh ngọt ngào trong thời khắc giao thừa linh thiêng mà người đời sau như được “nếm” hương vị tết nơi hoàng thành.
Bây giờ, người cung nữ cuối cùng đã đi về miền mây trắng, nhưng những phụ nữ Huế nhiều tuổi như ngoại tôi vẫn sẽ không quên “nhân chứng” của bánh mứt, của những mâm cỗ Tết chốn cung đình, như thể là cái gạch nối giữa xưa và nay. Để từ đó, dù có cách tân, đổi thay hay giản tiện trong thời công nghệ, nhưng mỗi năm đến Tết, hương vị ngàn xưa vẫn phảng phất, diệu huyền.
Trên bàn thờ gia tiên trong căn nhà rường cổ của mình, ngoại tôi vẫn giữ thói quen chưng đĩa bánh hạt sen được gói bằng giấy ngũ sắc Thanh Tiên. Tôi vẫn nhớ cái góc bếp có khung cửa sổ bằng gỗ thông luôn đầy ánh sáng. Dưới cửa sổ được kê chiếc phản bằng gỗ lim. Năm nào ngoại cũng ngồi ở đó tỉ mẩn đánh tơi nồi hạt sen đã nấu chín, sên qua với đường sau đó vo tròn rồi hong lại trên than hồng. Bánh hong khô sẽ được gói trong lớp giấy Thanh Tiên đủ màu xanh đỏ. Ngày nhỏ, tôi thường trông đến Tết để được nếm chiếc bánh hạt sen của ngoại. Vị ngọt thanh, thoang thoảng hương sen khiến bất giác khép hờ mi mắt để thấy sắc hồng, sắc trắng tinh khôi của hoa sen nở đầy hồ Tịnh Tâm - con hồ nằm phía bắc Đại Nội. Có lẽ mãi đến sau này, bánh hạt sen vẫn lưu giữ những ký ức tuổi thơ ngọt ngào của biết bao thế hệ đã lớn lên trên mảnh đất kinh kỳ vàng son một thuở.
Có lần, tôi theo bạn lên Kim Long, một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời nhất của cố đô Huế, cái nôi của các ông hoàng, bà chúa từ xa xưa. Bên bếp lửa đỏ hồng trong căn nhà rường xưa cũ, mẹ bạn tôi cũng loay hoay với đủ thứ mứt bánh khi Tết nhất đang cận kề ngoài ngõ. Xuất thân là cháu chắt hoàng gia, bà được truyền dạy rất nhiều loại bánh ngon xuất xứ từ cung đình. Tôi nhớ mãi cảnh bà ngồi tỉ mỉ cắt từng phiến giấy, rồi gấp từng chiếc hộp bé xíu đựng vừa miếng bánh pháp lam lung linh sắc màu, chợt thấy xao xuyến quá đỗi. Bánh pháp lam là món bánh cung đình mà ở xứ Huế bây giờ hiếm người còn giữ được cách làm. Bánh là sự hòa quyện giữa bột nếp dẻo thơm và sự ngọt ngào của nhiều loại mứt trái. Miếng bánh với màu sắc rực rỡ mà tinh tế tựa bức tranh, hội tụ bên trong đủ vị dẻo, giòn, chua, cay, mặn, ngọt, tựa như những cung bậc thăng trầm của mỗi đời người.
Trong mùi thơm nồng của củi lửa, mùi mứt bánh ngọt lành dễ khiến người ta miên man những miền ký ức. Để khi xuân về Tết đến, hoàng mai rực rỡ bên hiên nhà, ai đó rộn ràng mời nhau một chút yêu thương, ngọt ngào.
HÀ LÊ