Xây dựng phương án triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Kinh tế - Ngày đăng : 01:51, 09/02/2022
(BKTO)- Ngay từ đầu năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cần tập trung xây dựng phương án hỗ trợ người lao động, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội để góp phần triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung xây dựng phương án hỗ trợ người lao động để góp phần triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh:Internet |
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đặt ra đối với toàn ngành nhân dịp gặp mặt đầu Xuân mới đây.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2022 được xác định là năm đột phá về chuyển đổi số của ngành LĐ-TB&XH. Trong đó, ngân sách sẽ được dành để thực hiện chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội.
“Trong tháng 02 này, Bộ sẽ ban hành Nghị quyết của Ban cán sự về chuyển đổi số và Quyết định của Bộ trưởng về Chương trình chuyển đổi số. Bộ cũng sẽ ký kết chương trình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện 5 nội dung chuyển đổi số. Ngoài ra, ngay trong tháng 02, Cục Trẻ em phải cấp toàn bộ cơ sở dữ liệu về trẻ em để nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành LĐ-TB&XH xây dựng thị trường lao động ổn định, sớm có giải pháp đưa hoạt động xuất khẩu lao động trở lại trong tháng 5, tháng 6. Ảnh:molisa.gov.vn |
Về công tác bảo trợ, chăm lo an dân, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế, hướng tới phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn dân, ở đó, mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH cần xây dựng thị trường lao động ổn định, trong đó lưu ý dự báo cung - cầu lao động; đồng thời có giải pháp để sớm đưa hoạt động xuất khẩu lao động trở lại ngay trong tháng 5, tháng 6.
Giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải là khâu đột phá thực sự, tạo nền tảng cho xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; trước mắt lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực, công việc mang tính chất dẫn dắt xã hội trong giáo dục chất lượng cao.
Công tác chăm lo cho trẻ em cần được toàn diện hơn, không chỉ quan tâm tới ăn no, mặc ấm mà còn phải lưu ý đến không gian, đời sống tinh thần cho các cháu.
Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung ương và các địa phương đã dành 9.287 tỷ đồng từ nguồn ngân sách các cấp và kinh phí vận động xã hội hóa để tặng quà, hỗ trợ gạo cho 57,81 triệu đối tượng chính sách, người lao động.
1,56 triệu đối tượng người có công với cách mạng được tặng quà với tổng kinh phí gần 480,3 tỷ đồng theo Quyết định của Chủ tịch nước.
Tổng kinh phí tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng do Bộ LĐ-TB&XH bố trí trong kịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là trên 875 triệu đồng.
Công tác hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán được các địa phương quan tâm. Các địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới trong dịp Tết, các bệnh nhân nặng, người đang điều trị Covid-19, nạn nhân chất độc hóa học.
Dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, tặng quà cho gần 7.515 trẻ em tại 37 địa phương với tổng kinh phí 35,29 tỷ đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam./.
THÀNH ĐỨC