Xóa rào cản, tăng khả năng chống chịu cho nền kinh tế
Đối nội - Ngày đăng : 15:00, 18/12/2017
(BKTO) - Một khuyến nghị thu hút sự quan tâm của báo giới, được ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) - đưa ra nhân điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam mới đây là: Khi kinh tế vĩ mô đã ổn định, cần tận dụng đà tăng trưởng để củng cố khả năng chống chịu và loại bỏ những rào cản gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế trong trung hạn.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến cán đích
Diễn giải về khuyến nghị trên, ông Sebastian Eckardt hàm ý rằng, mục tiêu ổn định vĩ mô không phải là vấn đề đáng lo ngại trong trung hạn. Bởi, nhìn vào diễn biến của nền kinh tế trong 7 năm qua, gần nhất là năm 2017, chúng ta có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam phát triển tương đối ổn định.
Dưới con mắt của Chuyên gia kinh tế trưởng WB, kinh tế Việt Nam năm 2017 được phác thảo với những gam màu tươi sáng. Đó là, lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở mức cao. Ngành chế tạo và dịch vụ lần lượt đạt tăng trưởng 7,3% và 12,8% so với cùng kỳ. Kinh tế toàn cầu khởi sắc trợ lực cho xuất khẩu đạt kết quả tốt (tăng 24% trong 9 tháng năm 2017).
Ngành Nông nghiệp từng bước phục hồi, động năng tăng trưởng tiếp tục đến từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng lưu ý, tình hình tài khóa được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Số lượng việc làm có xu hướng tăng lên, với 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra trong ngành công nghiệp chế tạo trong 3 năm qua và 700 nghìn việc làm mới được bổ sung ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ, góp phần tăng tổng năng suất lao động. Nhu cầu lao động cao hơn góp phần khiến lương tăng nhanh, với mức tăng khoảng 15% từ năm 2014 đến năm 2016.
Các yếu tố trên đã tạo động lực cho “nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định. Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,7% trong năm nay” - Chuyên gia WB nhận định.
Tính đến thời điểm này, còn khoảng 2 tuần nữa mới khép lại năm 2017. Nhưng trước đó, tại các hội thảo về kinh tế Việt Nam, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng ANZ đều có dự báo giống với WB. Theo đó, với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư, nợ xấu đang được xử lý thông qua hàng loạt chính sách, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,7% và cơ bản hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra trong năm nay. Đó là tín hiệu cho thấy những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành trong suốt một năm nay sẽ được đền đáp.
Loại bỏ cản trở,tăng khả năng chống chịu
Theo WB, thành công lớn của Việt Nam trong năm 2017 và các năm trước đó chính là sự ổn định kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, việc duy trì sự ổn định ấy vẫn “nằm trong tầm tay” của Chính phủ và các cơ quan điều hành.
Mặc dù vậy, các chuyên gia WB nhận định, năm 2018 và trong trung hạn, chặng đường phát triển của kinh tế Việt Nam vẫn chưa hết những rào cản, trở ngại. Theo ông Sebastian Eckardt, sự bất ổn về chính trị của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn, mở rộng các cơ hội đầu tư của Việt Nam. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến sản xuất công nghiệp từ khu vực FDI cũng sẽ tác động đến nền kinh tế.
Mặt khác, việc xử lý nợ xấu tuy đã có tiến triển nhưng vẫn còn rủi ro; tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng chưa được đảm bảo trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao cũng là vấn đề đáng quan ngại. Thêm nữa, nửa đầu năm 2017, việc cắt giảm đầu tư công từ 25% trước đó xuống còn 16% tổng chi chưa hẳn đã là bền vững lâu dài khi mà Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai. Cải cách cơ cấu chậm, đầu tư chững lại, năng suất lao động thấp hơn cũng là trở ngại và có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Từ đây, các chuyên gia WB khuyến nghị, năm 2018 và cả trong trung hạn, Việt Nam cần tận dụng điều kiện thuận lợi để củng cố khả năng chống chịu và loại bỏ trở ngại đối với tăng trưởng. Cụ thể hơn, theo WB, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, tính bền vững của nền kinh tế trên cơ sở tái tạo các lớp đệm chính sách, củng cố tình hình ngân sách để đảm bảo tính bền vững, áp dụng chính sách tỷ giá theo hướng linh hoạt, nâng tỷ lệ an toàn vốn và kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Đồng thời, cải cách cơ cấu nền kinh tế vẫn là ưu tiên trọng tâm để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn. Trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường chiều sâu và đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN; phát triển thị trường vốn. Bên cạnh đó, cần loại bỏ những trở ngại cho đầu tư trong nước và tăng cường đổi mới sáng tạo, đầu tư nhiều hơn cho con người, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
NGỌC MAI
Theo Báo kiểm toán số 50 ra ngày 14/12/2017