Triển vọng kinh doanh tiếp đà khởi sắc
Đầu tư - Ngày đăng : 09:35, 19/12/2017
(BKTO) - Kết quả khảo sát 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 cho thấy, có tới gần 65% DN lớn dự định mở rộng sang các dự án, lĩnh vực kinh doanh mới (start-up) trong 2 năm 2018 và 2019. Hai lựa chọn được các DN lớn hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới (68%) và sẽ thực hiện các dự án liên doanh, liên kết (57%). Nhiều DN lớn “bật mí” sẽ thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập, cũng như mạnh tay chi vốn đầu tư cho các start-up giàu triển vọng.
Kinh doanh khởi sắc dùvẫn còn rào cản
Tổng hợp kết quả khảo sát các DN lớn nhất Việt Nam về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2017, các nhà nghiên cứu ghi nhận được những đánh giá tích cực từ phía DN. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện giúp kết quả hoạt động của DN tiếp tục khởi sắc. Nếu năm 2016 được đánh giá là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam thì sang năm 2017, bối cảnh chung của nền kinh tế và tình hình kinh doanh của các DN lớn đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Điều này được minh chứng rõ qua kết quả: 75% DN lớn đã tăng doanh thu trong năm 2017 với mức tăng khá nhiều so với năm 2016. Đáng chú ý, 62,5% DN phản hồi tổng thể tình hình sản xuất, kinh doanh của DN là tốt lên; chỉ có 4,7% DN đánh giá tình hình tổng thể xấu đi. Theo đó, gần 70% DN báo cáo năng suất lao động tăng lên. Các yếu tố như trang thiết bị máy móc, nhà xưởng, tài sản cố định, khách hàng cũng được trên 60% DN nhận định có tăng so với năm 2016.
Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam năm 2017, trên 50% DN tham gia khảo sát đã lựa chọn mức “Tốt” đến “Rất tốt” đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng. Điểm nổi bật được cộng đồng DN lớn đánh giá cao nhất nằm ở các chính sách tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cải thiện mạnh thứ bậc của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số môi trường kinh doanh toàn cầu. Tuy nhiên, thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn đang là mối bận tâm của nhiều DN trong giai đoạn hiện nay. Kết quả, hơn 50% DN lớn đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức “Trung bình” và gần 5% DN đánh giá mảng này ở mức “Kém”.
Bên cạnh những rào cản chính sách, nhiều DN cũng tỏ rõ băn khoăn về khả năng tiếp cận công nghệ số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số đang trở thành một hướng đi tất yếu đối với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, công nghệ số đang được coi là trọng tâm phát triển khi các hình thức kinh tế truyền thống dần trở nên bão hòa. Lợi ích thiết thực nhất của việc phát triển công nghệ số là giúp các DN thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, tăng năng suất, đồng thời giảm bớt chi phí kinh doanh.
Thế nhưng, tiến trình số hóa đang đặt ra nhiều bài toán khó cho DN Việt Nam. Hiện nay, đa số DN vẫn bó hẹp phạm vi ứng dụng công nghệ trong các phòng, ban IT - kỹ thuật, chứ chưa thực sự triển khai ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động trọng tâm khác của DN. Theo chia sẻ của các DN lớn, nguyên nhân khiến DN còn dè dặt trong việc ứng dụng công nghệ số hóa là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (40,6% DN lựa chọn); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9% DN lựa chọn) và những lo ngại về vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8% DN lựa chọn).
Triển vọng kinh doanhnăm 2018
Dự báo năm 2018, hầu hết các DN lớn cho rằng, doanh thu, lợi nhuận sau thuế, tình hình sản xuất, kinh doanh tổng thể sẽ tăng lên so với năm 2017 hoặc sẽ ổn định. Vì thế, khi đề cập đến định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều DN lớn cho biết, sẽ mở rộng sang các dự án, lĩnh vực kinh doanh mới trong năm 2018 và 2019. Song song với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, các DN sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, mua bán, sáp nhập… Chỉ có 6,6% DN dự định sẽ cắt giảm chi phí đối với hoạt động kinh doanh tương lai.
Nhận định về những rào cản đối với quá trình phát triển, các DN vẫn tiếp tục khẳng định cần phải đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; cắt giảm đầu tư từ NSNN, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Những giải pháp này sẽ mở ra cơ hội cho các DN phát triển trong năm 2018.
Xét trên bình diện quốc tế, Việt Nam vẫn là một quốc gia non trẻ trong công cuộc số hóa hiện đại. Vì thế, các DN lớn đóng vai trò là những “đầu tàu” của nền kinh tế cần sẵn sàng đón nhận thách thức và nắm bắt cơ hội ngay trên chính nền kinh tế số hóa của Việt Nam. Năm 2018, dự báo, các DN sẽ có sự phân hóa cao, nhất là các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực đặc thù.
Khi thị trường ngày một biến động và có nhiều diễn biến mới đan xen, việc giữ vững vị thế và khẳng định uy tín của DN ngày càng trở nên quan trọng. Chính uy tín sẽ là yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng, của nhà đầu tư và sự ủng hộ từ phía Chính phủ. Nhiều kỳ vọng đang được đặt vào các DN lớn có những chiến lược phù hợp với nền kinh tế số để có thể giữ vững được vị thế trên thương trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 14-12-2017