Hai vấn đề “nóng” trong sửa Luật Giáo dục Đại học
Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 19/12/2017
(BKTO) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Dự thảo Luật) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, lấy ý kiến với một số nội dung đáng chú ý như: Trường đại học (ĐH) được thành lập DN, được tự quyết định mức thu học phí...
Thành lập DN trong trường đại học
Một trong những nội dung gây chú ý của Dự thảo Luật là trường ĐH có thể thành lập DN. Cụ thể, nội dung này được nêu rõ trong quy định về chức năng nghiên cứu khoa học (NCKH) của trường và DN được thành lập trong trường ĐH cũng phải tuân thủ Luật DN. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa trường ĐH và DN.
Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BK-Holdings (DN thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội) - cho rằng, việc thành lập DN trong trường ĐH là xu hướng tất yếu, đã được nhiều trường trên thế giới áp dụng, đặc biệt là các trường hàng đầu về NCKH. Điều này càng trở nên cần thiết ở Việt Nam, bởi đa số các đề tài được nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm trường, nhưng không được DN “đỡ đầu” để thử nghiệm trên thực tế và hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Về nội dung này, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - cho biết, ở nước ngoài, các cơ sở giáo dục ĐH đều chú trọng đến kết nối DN, từ khâu xây dựng ý tưởng, thực hiện NCKH đến thử nghiệm sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm. Mặt khác, việc thành lập DN trong trường học còn giải quyết được một vấn đề nan giải hiện nay, đó là tình trạng sau tốt nghiệp, người học không tìm được việc làm phù hợp do quá trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của thị trường việc làm, không đào tạo theo mong muốn của DN. “Khi có DN định hướng ngay từ trong trường, công tác dự báo, đánh giá việc làm sẽ tốt hơn và hỗ trợ trực tiếp cho công tác đào tạo, giảng dạy của trường” - bà Anh nói.
Tuy nhiên, việc thành lập DN trong trường ĐH gặp vướng mắc các quy định về hoạt động của các trường công lập sử dụng NSNN. Bởi vậy, để mô hình này có thể hoạt động hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, nhà trường cần xác định rạch ròi cơ chế hoạt động của DN cũng như cần có cơ chế chuyển giao công nghệ theo hướng thị trường chứ không thể bao cấp như mô hình cơ sở công lập.
Mặt khác, việc thực hiện hoạt động kinh tế trong môi trường giáo dục sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc dạy học của giảng viên. Do đó, các chuyên gia đề xuất, có thể thành lập mô hình DN kiểu “ươm tạo” những kết quả NCKH, sau đó, chủ sở hữu DN có thể bán kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng để có được nguồn thu từ hoạt động thương mại hóa bằng sáng chế.
Tháo gỡ khó khăn về tài chính
Một điểm mới khác của Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội là các trường tự chủ được thu học phí theo giá dịch vụ giáo dục ĐH. Theo đó, Nhà nước sẽ không quy định khung học phí với các trường ĐH công lập tự chủ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu có tình trạng “lạm phát” học phí hay không?
Trả lời vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, dù được quyền tự quyết nhưng trường ĐH không thể đưa ra mức học phí vô lý. Chính phủ sẽ có cơ chế, quy định về phương pháp, cách tính học phí, quy trình để các trường xác định mức thu này. Khi đưa ra giá học phí, trường phải có đề án và giải trình thuyết phục những con số đó tương xứng như thế nào với chất lượng đào tạo.
PGS.TS Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải - cho rằng, học phí giữa các khối ngành đào tạo khác nhau thì sẽ khác nhau. Ông Đông nêu ví dụ, đầu tư đào tạo cho khối ngành kinh tế - xã hội không thể nhiều như khối kỹ thuật. Do đó, Nhà nước cần xem xét cân đối để có những hỗ trợ nhất định đảm bảo cân bằng hài hòa cho phát triển nguồn nhân lực ở tầm quốc gia. “Học phí đối với khối ngành kỹ thuật cần được điều chỉnh cao hơn hiện nay để trường đảm bảo nguồn chi” - ông Đông kiến nghị.
Thực tế cho thấy, cơ chế tài chính của giáo dục ĐH đang lộ rõ nhiều bất cập. Do chính sách trần học phí, mức thu học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên. Đa số nguồn lực của trường phải dựa vào NSNN, trong khi nguồn lực này ngày càng hạn hẹp. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo của trường.
Do đó, bỏ khung học phí được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm khắc phục bất cập trong cơ chế tài chính của giáo dục ĐH. Cùng với đó, một giải pháp khác cũng được đề cập trong Dự thảo Luật là thay đổi cách thức đầu tư cho các trường, từ cấp phát ngân sách hằng năm chuyển sang đặt hàng đào tạo, NCKH để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện xã hội hóa được ưu tiên giao đất, được miễn Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và Thuế Nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo…
Trước tình trạng các trường ĐH công lập gặp khó khăn trong nâng cao chất lượng GD&ĐT do thiếu kinh phí, những quy định trên được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này. Tuy nhiên, để việc thực hiện được khả thi, đảm bảo mang lại hiệu quả, trước hết, các quy định của pháp luật về vấn đề này cần phù hợp, chặt chẽ và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 14-12-2017