Quảng Trị trăn trở tìm hướng thoát nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 20/12/2017
(BKTO) - Thiếu mô hình sản xuất bền vững hoặc sẵn có mô hình nhưng thiếu kinh phí để nhân rộng… là những khó khăn, thách thức mà Quảng Trị đang gặp phải trên con đường giảm nghèo hiện nay.
Nguồn lực đầu tư chưa đủ “thấm”đất nghèo
Từng là tuyến lửa trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Quảng Trị hôm nay đang chuyển mình theo công cuộc đổi mới, phát triển chung của đất nước. Thế nhưng, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao so với trung bình của cả nước.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị có 12 xã (thuộc các huyện: Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Các địa phương này sẽ hưởng cơ chế quản lý, đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn do Trung ương cấp.
Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi, từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới… Trong đó, tỉnh đã đầu tư 24,8 tỷ đồng xây mới 32 công trình và hoàn thành 24 công trình chuyển tiếp của năm 2016; hỗ trợ hàng chục tỷ đồng phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư này vẫn chưa thấm vào đâu so với một tỉnh còn nghèo như Quảng Trị.
Huyện miền núi Vĩnh Linh là vùng đất tiêu biểu cho bức tranh nghèo ở Quảng Trị. Trên mảnh đất luỹ thép anh hùng này, có đến 68 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, tiêu biểu là 3 di tích cấp quốc gia như: địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Thế nhưng, Vĩnh Linh vẫn là một trong những miền quê nghèo khó nhất so với các vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, ở vào thời điểm cuối năm 2011, ba xã miền núi của Vĩnh Linh là: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, còn có tới 285/368 hộ nghèo, chiếm 77%. Mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4 triệu đồng/năm. Hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp.
Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh - cho biết, Đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản làng vùng cao của huyện được triển khai từ tháng 7/2012 trên địa bàn 11 bản thuộc 3 xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà. Dù Đề án đã mang lại những kết quả nhất định, song theo ông Dũng, do điều kiện quá khó khăn nên sự hỗ trợ vừa qua vẫn chỉ như những “cơn mưa nhẹ hạt”, chưa đủ “thấm” đất nghèo.
Loay hoay tìm hướng thoát nghèo
Tại một huyện khác của tỉnh Quảng Trị - huyện miền núi Đakrông - đã xây dựng mô hình cam kết thoát nghèo bền vững, với phương thức hỗ trợ 100% giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất nông, lâm nghiệp cho người dân. Kết quả thực hiện thí điểm của các mô hình đều được đánh giá tốt; tuy nhiên, mô hình lại gặp khó khăn trong quá trình nhân rộng.
Cụ thể, năm 2012, huyện đã thực hiện thí điểm mô hình cho 30 hộ dân tại 3 xã Hướng Hiệp, A Ngo và Mò Ó. Nhưng đến nay, sau 5 năm thực hiện, các mô hình vẫn chỉ dừng lại ở các hộ được hỗ trợ. Điển hình như tại xã A Ngo, kết quả thực hiện mô hình thí điểm hộ cam kết thoát nghèo bền vững vẫn nằm ở con số 10 hộ gia đình được chọn thí điểm ban đầu. Chủ tịch xã A Ngo Hồ Văn Hêm trăn trở: “Việc nhân rộng mô hình này rất khó! Xã đã xây dựng kế hoạch phát triển thêm 5 mô hình nữa nhưng đều khó triển khai do không có kinh phí hỗ trợ”.
Còn tại huyện Gio Linh - một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị - cũng loay hoay tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Với thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây hồ tiêu, Gio Linh đang tập trung để phát triển loại cây trồng cho thu nhập cao này. Thế nhưng, vốn, công nghệ cộng với tâm lý ỷ lại trông chờ vào chính sách của người dân tiếp tục là vật cản khiến cuộc sống nơi đây chưa thể khởi sắc.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thức, cây hồ tiêu là một thế mạnh ở Quảng Trị với chất lượng tiêu được đánh giá cao nhất cả nước, vị tiêu rất đặc biệt; thế nhưng, thế mạnh này vẫn chưa được đánh thức. Bởi, theo ông Thức, cây tiêu cho năng suất, giá thành cao nhưng khả năng chịu bệnh kém. Nếu không được đầu tư, quan tâm chăm sóc kỹ, hồ tiêu không chỉ giảm năng suất mà còn giảm chất lượng và không cạnh tranh được với hồ tiêu trồng nơi khác. Đây là thách thức mà người trồng hồ tiêu trong huyện phải đối mặt.
Rõ ràng, việc tăng nguồn lực đầu tư, giúp nhân rộng các mô hình sản xuất như trên là cần thiết. Tuy nhiên, giảm nghèo bằng hỗ trợ của Nhà nước là chưa đủ mà cần sự nỗ lực, ý thức thay đổi, vươn lên thoát nghèo từ chính mỗi người dân.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 14-12-2017