Sớm triển khai kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:06, 15/02/2022
(BKTO) - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng đã nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi tập huấn chuyên sâu Đề cương kiểm toán chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS) giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn, Tổng công ty và một số địa phương" của đơn vị, sáng 15/02.
Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Khai mạc buổi tập huấn, ông Lê Đình Thăng nhấn mạnh: Đây là một chuyên đề được triển khai trong toàn Ngành, là một trọng tâm chỉ đạo của KTNN cũng như của KTNN chuyên ngành II. Bởi vậy, KTNN chuyên ngành II phải hoàn thành một cách chất lượng nhất cuộc kiểm toán quản lý nhà nước về TNKS.
Hơn nữa, khi các KTNN khu vực cần hỗ trợ, KTNN chuyên ngành II phải dành lực lượng để hướng dẫn. KTNN chuyên ngành II sẽ phải tổng hợp lại toàn bộ báo cáo. Báo cáo sẽ chia làm 2 giai đoạn và vào tháng 5, KTNN sẽ báo cáo trước Quốc hội. “Chúng ta phải tập trung lực lượng, cố gắng triển khai sớm cuộc kiểm toán (ngày 01/3)” - ông Thăng yêu cầu.
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II đề nghị công chức, kiểm toán viên (KTV) tham dự buổi tập huấn tập trung thảo luận, các ý kiến xác đáng phải tiếp thu với mong muốn có được chất lượng đề cương tốt nhất, để sau đó còn tập huấn cho toàn Ngành về chuyên đề này.
Với các vấn đề cụ thể, ông Lê Đình Thăng đề nghị KTV bám sát vấn đề quản lý nhà nước về TNKS cũng như các luật để triển khai, từ đó lựa chọn một số nội dung trọng tâm như: Quy hoạch, kế hoạch, điều tra cơ bản, cấp phép, kiểm tra việc khai thác, sử dụng TNKS…
Trình bày tóm tắt Đề cương kiểm toán, Phó phòng Ngân sách I, KTNN chuyên ngành II - ông Đàm Quốc Hương - cho biết, cuộc kiểm toán nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về TNKS của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các địa phương; việc chấp hành các quy định trong thăm dò, khai thác, sử dụng TNKS của các tổ chức, cá nhân; việc chấp hành các nghĩa vụ đối với NSNN và đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về TNKS.
Việc thực hiện kiểm toán chuyên đề này còn nhằm phát hiện các hành vi trốn tránh, gian lận trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…) của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, cấp phép và thăm dò, khai thác khoáng sản; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thông qua kiểm toán, KTNN chỉ ra các sai phạm để kiến nghị với các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý về TNKS, chấp hành các nghĩa vụ đối với NSNN và biện pháp khắc phục những hạn chế; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, HĐND tỉnh, thành phố để giám sát và có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý nhà nước về TNKS.
Phạm vi kiểm toán: Bộ TN&MT (Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường và các đơn vị có liên quan); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm: Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Cục thuế và các đơn vị có liên quan); Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Về giới hạn kiểm toán, ông Hương nêu rõ: Chỉ thực hiện kiểm toán công tác quản lý nhà nước về TNKS thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản và các quy định có liên quan. Không kiểm toán công tác quản lý nhà nước về các loại tài nguyên khác: Khí đốt, dầu mỏ… Không thực hiện đo đếm, xác định diện tích mỏ khai thác trên thực địa (trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm toán xin ý kiến lãnh đạo KTNN quyết định).
Nội dung kiểm toán: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về TNKS của Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với các địa phương trong việc quản lý TNKS do Bộ TN&MT cấp phép.
Công tác quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; việc tuân thủ pháp luật về quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản; việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các địa phương; việc ban hành các quy định của địa phương trong hoạt động khoáng sản, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; việc thực hiện quy hoạch, công tác bảo vệ môi trường; đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN về công tác quản lý nhà nước về TNKS đã được KTNN thực hiện (nếu có).
Phương pháp kiểm toán: Tính toán, phân tích, đối chiếu, đánh giá các chỉ tiêu trong việc cấp phép, khai thác với quy định của Nhà nước; chọn mẫu kiểm toán để thực hiện đối chiếu tại các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản; kiểm tra hiện trường khai thác TNKS…
Tại buổi tập huấn, công chức, KTV của đơn vị đã thảo luận, chia sẻ nhiều nội dung kiểm toán liên quan đến: Công tác cấp phép; chuyển nhượng mỏ; tiền sử dụng thông tin, tài liệu của Nhà nước; thuế tài nguyên; thuế bảo vệ môi trường; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Chiều cùng ngày, KTNN chuyên ngành II tiếp tục tập huấn kiểm toán chuyên đề "Đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực: Ưu đãi về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Trước đó, ngày 14/02, đơn vị cũng đã tổ chức tập huấn chuyên sâu kiểm toán “Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư"./.
HỒNG NHUNG