Quản lý nợ công tốt phải tính đến những rủi ro

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 26/12/2017

(BKTO) - “Tuy có thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng vấn đề đáng lo ngại khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm. Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa” - cảnh báo này được đưa ra trong Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa thực hiện.


Nợ công trong ngưỡngnhưng nhiều rủi ro

Giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã tăng mạnh do chính sách tài khóa nới lỏng, từ 51,7% năm 2010 lên đến 61% năm 2015. Trong đó, nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9%, còn nợ của chính quyền địa phương khoảng 0,9%.

Nếu không tính nợ bảo lãnh và vay nợ trong nội bộ, gồm vay từ ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước và vay từ Quỹ tích lũy trả nợ, thì nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở mức 43,3% GDP năm 2015, gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.

Do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải huy động chủ yếu từ nguồn vay trong nước. Vì thế, tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công đã tăng từ 45% năm 2010 lên 55,4% năm 2015. Nợ trong nước giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển các thị trường vốn trong nước, nhưng cũng làm giảm đáng kể kỳ hạn danh mục nợ. Trong đó, thị trường trái phiếu trong nước đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn ít nhà đầu tư dài hạn tham gia nên nhu cầu mua nợ trong nước có kỳ hạn dài còn hạn chế. Chính phủ đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm kéo dài kỳ hạn trái phiếu chính phủ ở trong nước để nâng kỳ hạn bình quân còn lại lên 4,44 năm vào cuối năm 2015.

Bên cạnh những cải thiện trên thì áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn, với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu chính phủ còn hạn chế như hiện nay. Nhìn chung, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam chưa thể bằng kỳ hạn bình quân của trái phiếu chính phủ ở các quốc gia thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực.

Vì thế, tuy nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bội chi ngân sách vẫn đang ở mức cao. Nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép là 65% GDP trong những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao và chi phí huy động vẫn còn tương đối thuận lợi.

Chủ động ứng phóvới những cú “sốc”

Theo đánh giá của các chuyên gia trong Báo cáo Đánh giá chi tiêu công, dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả khi có những cú “sốc” nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng nếu hiện thực hóa có thể làm cho Việt Nam càng dễ bị tổn thương, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản vẫn được quản lý cẩn trọng.

Cùng với đó, mặc dù chủ trương của Chính phủ là tăng cường kỷ luật tài chính của các DNNN và về nguyên tắc không có trách nhiệm trả nợ đối với các khoản vay của DN nếu không có bảo lãnh cụ thể, nhưng Chính phủ có thể vẫn phải can thiệp trong trường hợp tình trạng mất khả năng trả nợ có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Công tác quản lý nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú “sốc” nếu diễn ra. Vì vậy, điều thiết yếu là các kế hoạch củng cố ngân sách phải được triển khai nhất quán để đảm bảo quỹ đạo nợ công quay lại lộ trình bền vững.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, Chính phủ cần thiết lập cơ chế xác định và phân tích một cách có hệ thống những rủi ro tài khóa liên quan đến các nghĩa vụ nợ dự phòng. Trong đó, việc thu thập thông tin cập nhật và đáng tin cậy về các nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn là bước đi quan trọng đầu tiên, sau đó là phải phân tích tác động tới ngân sách và có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Đồng thời, Chính phủ cần phải tái tạo các lớp đệm chính sách trước khi những rủi ro có thể xảy ra. Ngoài các biện pháp đồng bộ nhằm giảm bội chi ngân sách, cũng cần tăng cường năng lực quản lý nợ công. Bên cạnh những áp lực nợ trước mắt, cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi khi nguồn vốn vay có tính chất ưu đãi sẽ giảm dần, nợ thương mại trong nước và nước ngoài sẽ trở thành nguồn huy động chính.

Do đó, trước mắt, Chính phủ cần củng cố danh mục nợ, nỗ lực tối ưu hóa chi phí và kéo dài kỳ hạn vay nợ, trong trung và dài hạn cần tìm kiếm các nguồn thay thế có chi phí hợp lý. Mặt khác, cần tập trung phát triển thị trường nợ trong nước và tiếp tục tăng cường năng lực quản lý nợ. Chính phủ đã thông qua Chiến lược quản lý nợ trung hạn.

Một tín hiệu đáng mừng là cuối tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) trong đó, giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, thay vì 3 đầu mối như trước. Bước tiến này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho công tác triển khai Chiến lược quản lý nợ trung hạn, khắc phục những trở ngại do cơ cấu thể chế về quản lý nợ công vốn đã bị phân tán như trước đây.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017