Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khai khoáng
Đầu tư - Ngày đăng : 06:00, 29/12/2016
(BKTO) - Sau 5 năm ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW (Nghị quyết02) cũng như sự ra đời của Luật Khoáng sản 2010, công tác quản lý nhà nước vềkhoáng sản cũng như hoạt động khai khoáng ở nước ta đã có những chuyển biến rõnét, nhưng cũng bộc lộ một số vướng mắc, tồn tại cần phải điều chỉnh.
Khai thác trái phép do xử lý chưa quyết liệt
Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; cũng như sự ra đời của Luật Khoáng sản 2010 là dấu mốc rất quan trọng của ngành địa chất và khoáng sản. Chính từ dấu mốc này, ngành khoáng sản của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Việt Nam đã hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp, khai thác, chế biến sâu như: Lọc, hóa dầu, sắt thép, đồng chì, kẽm, phân bón, hóa chất, chế biến kim loại quý hiếm. Điển hình như các dự án Khu công nghiệp Tian tại Bình Thuận, Khu công nghiệp Alumin - nhôm tại Đắk Nông. Ngành xi măng Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, ngành vật liệu đá ốp lát cũng phát triển mạnh tại Yên Bái, Nghệ An và có tiếng trên thị trường quốc tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành khai khoáng vẫn còn những mặt tồn tại, trong đó đặc biệt là vấn đề khai thác trái phép. Ông Vũ Mạnh Hùng - Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm từ năm 2012 đến nay, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, thất thu NSNN, đồng thời tác động xấu đến môi trường. Nguyên nhân là do việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chưa quyết liệt, chưa có hình thức xử lý mạnh mẽ đối với một bộ phận cán bộ, thậm chí lãnh đạo chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng này kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam lạc hậu gây nhiều tổn thất trong khai thác tài nguyên Ảnh: TK
Quy định đấu giá quyền khai thác phù hợp hơn với thực tiễn
Theo ý kiến các chuyên gia, quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Luật Khoáng sản 2010 được đánh giá là một trong những quy định có tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước cũng như cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt tạo một môi trường minh bạch, công bằng hơn trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách, đến nay quy định này vẫn chưa thực hiện được.
Nói về nguyên nhân của vấn đề này, TS. Lê Ái Thụ - Liên minh Khoáng sản - cho rằng: Về cơ bản, các khu vực có kết quả thăm dò khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Việc đấu giá quyền khai thác tại các khu vực chưa thăm dò khoáng sản là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng không hiểu được “vật” mình đem đi bán đấu giá. Cùng với đó, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoảng 2, điều 4, Nghị định 22/2012/NĐ-CP không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện hành được xác định trên cơ sở mỏ đã có dự án đầu tư. Vì vậy, việc xác định giá khởi điểm rất khó triển khai, nếu có triển khai thì độ tin cậy không có, đặc biệt là đối với khu vực chưa có kết quả thăm dò.
Thừa nhận trên thực tế triển khai còn nhiều lúng túng, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - cho biết: Đối với những mỏ lớn thuộc quyền đấu giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện đấu giá được là do thiếu điều kiện để tổ chức. Theo quy định, đấu giá phải có tối thiểu từ 3 tổ chức và có số vốn chủ sở hữu trên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, khi bán hồ sơ thì một số DN tham gia không đủ điều kiện nêu trên.
Được biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Khoáng sản, văn bản này được kỳ vọngsẽ giải quyết được những bất cập đang tồn tại hiện nay. Theo đó, Nghị định cũng sửa lại số DN tham gia tối thiểu còn 2 DN và khi Nghị định này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/01/2017 tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
HOÀNG LONG